Bài phát biểu của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại lễ ký hợp đồng EPC nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1

Ngày 30/3/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Điện lực Đông Phương (DEC) long trọng tổ chức lễ ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, khai mạc buổi lễ ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu về dự lễ ký kết. Toàn văn bài phát biểu như sau:_x000D_ _x000D_

Ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Kính thưa:   
    - Ngài Sun Guoxiang, đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa tại Việt Nam;
    - Ông Trần Hoàn Kim, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh;
    - Ông Si Zefu, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Đông Phương;
    - Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
    - Thưa các vị khách quý !

Hôm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Điện lực Đông Phương (DEC) long trọng tổ chức lễ ký hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1. Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin gửi tới các quý vị đại biểu, các vị khách quý đã về dự buổi lễ này lời chào, lời chúc sức khỏe trân trọng nhất.

Thưa các quí vị,

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Tập đoàn kinh tế lớn được Đảng, Chính phủ giao trọng trách giữ vai trò chính trong việc cung cấp điện năng ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để phát triển các dự án nguồn điện và lưới điện.

Trung tâm Điện lực Duyên Hải nằm tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có quy mô công suất trên 4.000MW và là một trong số các Trung tâm nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than lớn nhất cả nước được xây dựng và sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2014 - 2018.

Dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 là một trong ba dự án nhiệt điện lớn thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Với công suất 1.245 MW, gồm 2 tổ máy, hàng năm Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,5 – 8 tỷ kWh. Dự án do Chủ đầu tư tự thực hiện thông qua đơn vị quản lý Ban QLDA nhiệt điện 3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lựa chọn Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 làm tư vấn chính của dự án. Theo tiến độ yêu cầu dự án phải được khởi công trong năm 2010 và đưa vào vận hành năm 2014-2015.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 5/10//2009 Tập đoàn Điện lực Việt Nam bắt đầu tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Sau một thời gian đánh giá, làm rõ hồ sơ thầu và thương thảo Hợp đồng theo đúng các quy định về đấu thầu của Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lựa chọn Tập đoàn Điện lực Đông Phương để thực hiện gói thầu EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. Hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 có tổng giá trị xấp xỉ 1,4 tỷ USD; dự kiến vay 85% từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, phần còn lại là vốn đối ứng của EVN; Nhà máy sẽ được hoàn thành toàn bộ trong vòng 50 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Kính thưa các quí vị,

Tập đoàn Điện lực Đông Phương là một Tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc đã thực hiện hợp đồng EPC cho dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 & 2 với công suất 1.200MW và tham gia cung cấp thiết bị cơ điện cho nhiều dự án thủy điện của Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tin tưởng rằng Tập đoàn Điện lực Đông Phương sẽ tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm của mình, nỗ lực huy động đủ nhân lực, thiết bị, máy móc, điều phối công việc trên công trường một cách hiệu quả, thực hiện hợp đồng EPC nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 theo đúng các điều khoản của hợp đồng đã được ký. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Đông Phương trong toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng để bảo đảm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đưa vào vận hành đúng tiến độ theo Hợp đồng, đảm bảo chất lượng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam biểu dương Ban QLDA nhà máy nhiệt điện 3, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, và các Ban chức năng của Tập đoàn đã nỗ lực thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, đàm phán để đi đến ký kết hợp đồng EPC ngày hôm nay.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh và huyện Duyên Hải, bà con địa phương khu vực dự án trong thời gian qua đã chỉ đạo, giúp đỡ và ủng hộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đạt được sự thành công ngày hôm nay.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chân thành cảm ơn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc trong thời gian qua đã hỗ trợ EVN thu xếp vốn cho các dự án của EVN và tiếp tục hỗ trợ vốn cho dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin truyền hình đã ủng hộ và giúp đỡ EVN trong thời gian qua; tham dự và đưa tin lễ ký hợp đồng EPC ngày hôm nay.

Chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

 Đại diện Nhà thầu DEC và Ban QLDA ký kết hợp đồng

Trao hợp đồng ký kết giữa hai bên

Working Team của TV2 - đơn vị tư vấn chính cho dự án

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

 

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, là một trong ba (03) Nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải được Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể bằng Quyết định số 1135/QĐ-BCT ngày 17/10/2007. Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 lập đã được EVN phê duyệt bằng Quyết định số số 333/QĐ-EVN ngày 29/06/2009.

Kế hoạch đấu thầu dự án Nhà máy điện Duyên Hải 1 đã được Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt bằng Quyết định số 343/QĐ-EVN ngày 30/06/2009. Trong đó, gói thầu số 3 là gói thầu EPC: Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt, bao gồm cả bảo hiểm xây lắp công trình.

Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, việc phát hành hồ sơ yêu cầu, công tác đánh giá thầu và thương thảo hợp đồng đã được các đơn vị của EVN và Tư vấn tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự và khẩn trương để có được kết quả cuối cùng là ký hợp đồng với một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu của Trung Quốc - Tập đoàn Điện lực Đông phương (Dongfang Electric Corporation Limited) theo tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cung cấp điện cho phát triển kinh tế của đất nước.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 có diện tích khoảng 50 ha, nằm trong Trung tâm điện lực Duyên Hải, dự kiến được xây dựng tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, địa điểm cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 45km về hướng Đông Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 250km.

Huyện Duyên Hải có vị trí địa lý nằm giữa cửa Cung Hầu và cửa Định An, phía hạ lưu của kênh Quan Chánh Bố, phía Tây giáp sông Hậu, phía Đông - Nam giáp biển Đông, phía Tây - Bắc giáp huyện Trà Cú. Các tuyến giao thông đường bộ đến vị trí nhà máy gồm có các quốc lộ số 53 và 54.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 có tổng công suất là 1.245MW (2x622.5MW), giá trị Hợp đồng EPC khoảng 1.397 tỷ USD. Hàng năm, nhà máy cung cấp cho lưới điện quốc gia một lượng điện năng khoảng từ 7,5 đến 8 tỷ kWh để đáp ứng yêu cầu phát triển phát triển phụ tải của miền Nam và toàn quốc.

Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPC có hiệu lực, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trong vòng 50 tháng (dự kiến quý II/2014).

Nhà máy phát điện lên lưới điện quốc gia thông qua sân phân phối 220kV của Trung tâm điện lực Duyên Hải. Đồng bộ với Nhà Máy Nhiệt Điện Duyên Hải 1, các tuyến đường dây 220kV Duyên Hải – Trà Vinh, Trà Vinh- Mỏ Cày và Mỏ Cày - Bến Tre với tổng chiều dài khoảng 105 km, kết hợp với cải tạo nâng cấp các tuyến 220kV Mỹ Tho – Bến Tre và Vĩnh Long – Cai Lậy đang được EVN gấp rút triển khai nhằm truyền tải hết công suất của nhà máy vào hệ thống.

Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than nội địa của Việt Nam và dự kiến là than Cám 6a (Hòn Gai - Cẩm Phả). Than sẽ được vận chuyển đến Nhà máy bằng phương tiện thủy có tải trọng đến 30.000DWT. Nhu cầu tiêu thụ than cho nhà máy Duyên Hải 1 khoảng 3,5 triệu tấn /năm.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, thông số hơi cận tới hạn, công nghệ đốt hiện đại phù hợp với than Antraxit Việt Nam, có công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và Quốc tế.

Đây là một trong những dự án nhiệt điện chạy than có công suất lớn nhất từ trước tới nay được EVN đầu tư, đồng thời cũng là một trong những dự án có qui mô công suất lớn do tư vấn của EVN – Công ty Cổ Phần Tư vấn xây dựng điện 2 làm tư vấn chính.

Chia sẻ: