Chuyện kể của “đoàn thám hiểm” chinh phục đỉnh Hoành Sơn

Tháng 3/2021 đánh dấu chuyến “thám hiểm” đầy gian nan của đoàn bốn kỹ sư địa hình, địa chất thuộc Phòng Kỹ thuật khảo sát và Chi nhánh Xí nghiệp Khảo sát Tổng hợp Miền Nam (PECC2) tại đỉnh Hoành Sơn, một nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ra Biển Đông. Những thử thách của thời tiết và điều kiện sinh hoạt như: cách vài mét đã khó nhìn thấy bạn đồng hành vì sương mù dày đặc, hay uống vội một chút nước còn đọng trong bọng cây nhỏ cho đỡ khô miệng không làm nao lòng các “chiến sĩ” khi thực hiện nhiệm vụ khảo sát điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất cho các trụ điện gió sẽ được lắp đặt trên đỉnh núi trong tương lai.

Hành trình ngày 1: Cung đường thuận lợi

Sau khi tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp tại hiện trường, “đoàn lữ hành” vạch lộ trình khảo sát dọc đỉnh dãy núi xuất phát từ mạn Bắc và sẽ xuống núi theo sườn dốc ở mạn Đông. Mặc dù tổng đoạn đường khảo sát các vị trí trụ gió từ WTG-1 đến WTG-13 chỉ khoảng 8 km, nhưng đoạn đường di chuyển thực tế lên đến gần 30km và điểm cao nhất phải vượt qua có độ cao + 1021m. Dự kiến thời gian lưu lại trên đỉnh núi là 3 ngày và 2 đêm. Vì theo dự báo thời tiết, chỉ có một khoảng thời gian 3 ngày ấy là sương mù nhưng trời ráo, còn lại những ngày trước và sau thời đoạn đó đều là mưa liên tiếp.

Hình 1. Lộ trình khảo sát đỉnh Hoành Sơn.

Ngoài các dụng cụ khảo sát, hành trang mang theo còn có các vật dụng dùng cho đi rừng dài ngày như võng dù, chăn mền, áo lạnh, dây thừng, gạo, đồ hộp, lương khô, mì gói v,v. Hai lít rượu nếp Hà Tĩnh tuyệt ngon được một đồng nghiệp có quê Hà Tĩnh gửi tặng với lời nhắn gửi để sưởi ấm khi đêm đến.

Tám giờ sáng ngày đầu tiên, xe chở đoàn khảo sát đến điểm có cao độ +50m ở chân núi. Đây là điểm cuối cùng xe ô tô có thể đến được và từ đây, đoàn phải leo dọc sườn núi đến cao độ + 759m, chênh cao đến hơn 700m, nơi có vị trí trụ WTG-9, ở đây có một lán trại của tổ khoan mới dựng tạm và chưa sử dụng và có nước dự trữ để sinh hoạt.

Hình 2. Khởi hành từ cao độ +50m.

Từ chân núi, sương mù đã mờ ảo, càng lên cao sương mù càng dày đặc, chỉ cách vài mét đã khó nhìn thấy bạn đồng hành.

Hình 3. Đường lên núi trong sương mù.

Đường đi lên càng lúc càng dốc, có đoạn gót chân của người đi trước đã sừng sững trước mắt người đi sau. Cũng may mắn, đoạn đường này đã được các nhân công khuân vác máy khoan phát dọn trước nên đoàn không phải định hướng đi và bớt bị cản trở bởi cây rừng.

Hình 4. Tác giả ở cao độ +550m, còn phải leo cao hơn 200m nữa mới đến WTG-9

Ngày đầu tiên sức lực còn nhiều, đoàn chinh phục độ cao +759m không quá mệt mỏi. Các bạn kỹ sư trẻ mất tối đa 3 giờ di chuyển. Tác giả bài viết này đã 63 tuổi, dù phải mất 3,5 giờ mới leo đến đích vẫn cảm thấy rất vui vì cuối cùng đã bắt kịp các bạn trẻ.

Hình 5. Lán trại tạm tại WTG-9, cao độ +759m.

Hình 6. Khoan khảo sát tại vị trí trụ WTG-9.

Sau khi dùng bữa trưa bằng một gói xôi với muối vừng, đoàn quyết định nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng và buổi chiều sẽ đi kiểm tra các vị trí trụ từ WTG-10 đến WTG-13, mỗi trụ cách nhau khoảng 500m theo đường chim bay, tức tất cả khoảng 2km đường thẳng. Đoàn xuất phát lúc 13 giờ 30 phút, nương theo các lối mòn quanh co để lên trụ WTG-13. Đường không dốc lắm, lên xuống khá nhẹ nhàng, chỉ có đoạn lên trụ WTG-13 là khá dốc. Sau 4 giờ, đoàn hoàn thành công tác khảo sát và trở về lán trại.

Hình 7. Tại vị trí WTG-11.

Đêm đầu tiên, có nước nấu cơm, tắm rửa, khá tiện nghi và ấm áp vì lán được che chắn kỹ lưỡng. Nồi cơm không được như ý muốn vì phải nấu mất hơn 3 giờ mới chín do không tìm được củi khô để đun. Khói hun mù mịt, mất hơn một ký cồn khô để mồi lửa. Tuy vậy nhưng với niềm phấn khích của sự thành công trong ngày đầu tiên cộng thêm hương thơm của rượu ngon đưa đẩy nên ai cũng no bụng và ngủ ngon.

Hình 8. Thổi cơm, khói mù mịt.

Hình 9. Bữa cơm tối đầu tiên trong lán trại tạm.

Hành trình ngày 2 và 3: Khi nước uống trở nên quý giá

Ngày hôm sau bắt đầu cho một lộ trình quan trọng và vất vả vì phải giải bài toán trữ …nước. Dân đi rừng địa phương đã cảnh báo là trên đỉnh núi không thể tìm ra nước uống dù trong mùa mưa. Vì đỉnh núi là đỉnh phân thủy, là nơi không giữ nước. Mỗi người một lít nước. Một can 10 lít nước được giao cho một cậu trẻ người địa phương mà đoàn thuê trong 3 ngày để hỗ trợ mang vác và phát cây tạo lối đi.

Hình 10. Chuẩn bị khởi hành, lộ trình 2 ngày 1 đêm từ WTG-9 đến WTG-1.

Từ WTG-9 đến WTG-3, mỗi vị trí trụ cách nhau khoảng 500m đường chim bay, tức khoảng 3km. Từ WTG-3 đến WTG-2 là 2,7km, từ WTG-2 đến WTG-1 là 0,8km. Ngoài ra từ vị trí trụ WTG-1 để ra bìa rừng mất thêm 1,2km và thêm khoảng 7,6km đường mòn để đến vị trí trạm phát sóng ở cao độ + 250m, là nơi đón xe về lại thị trấn. Tổng cộng hơn 18km. Đoàn chỉ có ít thông tin về cung đường này, đặc biệt là đoạn từ vị trí WTG-3 đến WTG-2 chưa từng ai đi, trừ những người đi đặt bẫy thú.

Đoàn chia lộ trình làm 2 đoạn. Ngày đầu dự tính sẽ vượt qua vị trí WTG-3 rồi cố gắng đi càng gần vị trí WTG-2 càng tốt. Sau đó, đoàn sẽ bắt đầu tìm chỗ hạ trại qua đêm. Ngày thứ hai sẽ đi đến các vị trí WTG-2, WTG-1 rồi ra khỏi rừng đến chỗ đón xe. Dự kiến 17 giờ đến 18 giờ sẽ kết thúc chuyến đi.

Như ngày hôm trước, khoảng 8 giờ đoàn khởi hành. Chỉ mất 1,5 giờ, đoàn đã đến được ba vị trí: WTG-8, WTG-7 và WTG-6. Một không khí phấn chấn bừng lên, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm: đường đi khá dễ, không đồi dốc, vực sâu nhiều. Có bạn đã lạc quan: “Có thể chúng ta sẽ hoàn tất chuyến đi trong ngày hôm nay!”.

Hình 11. Kiểm tra vị trí trên đường đi.

Tuy nhiên, đoàn mất thêm 4 giờ để đến được vị trí WTG-3, dù chỉ khoảng 1,5km. Đường đi chông gai, trơn trượt vì nhiều đá tảng chồng chất khiến việc leo lên dốc hay đi xuống dốc đều mệt và tiêu hao sức lực gần như nhau.

Hình 12. Hình ảnh “đoàn lữ hành” chuẩn bị vượt đỉnh cao độ +1021m.

Khoảng 15 giờ 30 phút, đoàn vượt đỉnh 1021m. Nhìn về phía Hà Tĩnh chỉ là một biển mây bao la bao trùm thị trấn Kỳ Anh. Lạnh! Đoàn bắt đầu cảm thấy lạnh và thấm mệt. Đường đến vị trí WTG-2 còn xa lắm, cũng phải hơn 2km đường chim bay nữa. Vì vậy đoàn quyết định cố gắng đi tiếp nhưng nếu gặp một vị trí thuận lợi thì sẽ ngừng chân và hạ trại qua đêm. 16 giờ 30 phút, bên phải lối mòn có một ô đất nhỏ khá bằng phẳng và có các cây khá to mọc với khoảng cách thích hợp cho việc treo võng. Vị trí này có độ cao khoảng + 965m và nhìn về phía Quảng Bình. Đoàn khảo sát quyết định hạ trại tại đây. Võng đã được treo, bạt chống sương và gió đã được phủ, nồi cơm cũng đã chín tới, chúng tôi trải bạt và bắt đầu bữa cơm tối. Trời mờ sương, gió thổi từng cơn mang hơi lạnh vùng cao nguyên bao trùm khu trại. Rượu nồng lại giúp chúng tôi ấm người và ngon miệng, rồi vui với những câu chuyện thú vị trong chuyến đi mà quên đi một nỗi lo đang cận kề, đó là đoàn chỉ còn 2 lít nước cho 5 con người trong cả ngày mai.

Hình 13. Chuẩn bị võng ngủ và thổi cơm tối.

Hình 14. Cơm tối tại cao độ +965m.

Sáng hôm sau, 8 giờ đoàn nhổ trại và bắt đầu đi. Mỗi người chỉ mang theo còn đúng khoảng 300ml nước!

Hình 15. Ly cà phê sáng trước khi bắt đầu một ngày gian nan.

Đoạn đường từ chỗ nghỉ đêm đến vị trí WTG-2 khá vất vả, hết lên dốc lại xuống dốc. Đường đá tảng trơn trợt, nhiều đoạn phải tự phát lối mà đi. Đến 13 giờ trưa, mọi người đều cạn nước uống. Khát khô cổ, khô họng, nhưng không thể tìm đâu ra nước uống! Một vài giọt sương đọng trên lá cây cũng được nhẹ nhàng hứng lấy mà nhấp cho đỡ khô miệng. Một chút nước còn đọng trong bọng cây nhỏ cũng cố xé tờ giấy cuốn lại làm ống hút để hút.

14 giờ, còn cách WTG-2 khoảng 300m, một phép lạ đã đến! Cậu porter, với con mắt tinh tường của người đi rừng, phát hiện một cái khe nhỏ và mang lên 2 chai nước loại 1,5 lít trong veo, mát lạnh, chảy ra từ một khe đá. Cả đoàn vô cùng biết ơn cậu porter vì đã giúp cả đoàn “hồi sinh” trở lại.

Hình 16. Phục hồi sau cơn khát và chuẩn bị đến vị trí WTG-1.

Từ đây, mọi vật xung quanh sao mà đẹp và đáng yêu lạ thường! Chỉ 15 phút sau, đoàn đã đến vị trí WTG-2 và khoảng 1 giờ sau đoàn đến WGT-1. Nghỉ ngơi ở WTG-1 một chút, đoàn đi tiếp. Khoảng 16 giờ 30 phút, đoàn ra khỏi rừng và đi đến chỗ xe đón về thị trấn cũng đúng như dự kiến lúc 18 giờ.

Tối hôm đó, “đoàn thám hiểm” ngủ thật ngon vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và hơn nữa là được trải qua một chuyến thực địa thật thú vị và đầy thử thách.

Thực hiện: Chuyên gia Phạm Văn Phúc Tín – Phòng Kỹ thuật khảo sát

Chia sẻ: