Háo hức chờ nguồn điện lưới
Ở đầu bờ Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, đường dây và trạm biến áp 110kV đã được triển khai hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc kết nối với cáp ngầm xuyên biển. Còn tại bờ Phú Quốc, đường dây và trạm biến áp 110 kV đang được các kỹ sư, công nhân ngành điện khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2013, chuẩn bị cho công tác tiếp nhận lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc.
Đường dây 110kV phía bờ Phú Quốc sẵn sàng để tiếp nhận cáp ngầm từ trạm điện Hà Tiên.
Trong những ngày này, đi đến đâu cũng thấy sự vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt của những người dân trên huyện đảo Phú Quốc khi hay tin điện lưới quốc gia sắp về. Trong căn nhà ọp ẹp, nằm kề bên hành lang đường dây 110kV vừa được các công nhân điện lực kéo qua, bà Ba Y đã ngoài 60 tuổi, ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh vui mừng cho biết: “Vậy là bao nhiêu năm mong đợi, đến nay người dân chúng tôi cũng sắp có điện. Bà con ở đây hay tin vui mừng lắm, ai cũng ủng hộ, đặc biệt từ khi thấy các chú điện lực dựng trụ, rồi kéo dây điện thì càng vững lòng. Từ nay, xóm chúng tôi sẽ không còn cảnh nơm nớp lo thiếu điện, ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt”. Bà Y có hai con, chồng vừa mất, gắn bó với vùng đảo biển này đã ngót hơn 20 năm. Hiện các con bà đã có gia đình và ra riêng, cuộc sống nhờ vào việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do không có điện nên việc nuôi trồng không mấy hiệu quả. “Chú thấy đó, nhà tôi câu nhờ máy phát điện nhà hàng xóm, chỉ dùng duy nhất một cái bóng đèn và thắp mỗi tối 1 - 2 giờ đồng hồ nhưng phải trả 100 ngàn đồng/tháng. Sắp tới có điện, chúng tôi sẽ gắn thêm cái bóng đèn cho các cháu học hành và mua cái ti vi cho các cháu nó xem, khỏi đi xem nhờ nhà người khác cách cả cây số. Các con tôi cũng sẽ làm ao nuôi tôm, ốc…” - bà Ba Y tâm sự.
Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên là 593,05km² (Đảo lớn 567km², Thổ Châu 16,34km², An Thới 9,71km²), có 99 ngọn núi và 13 bãi biển đẹp, rừng chiếm 63,74% diện tích; cách thành phố Rạch Giá 120km và cách thị Hà Tiên 45km. Dân số 103.000 người năm 2012. Phú Quốc còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, thuộc khu sinh quyển ven biển.
Cách trung tâm huyện đảo Phú Quốc chừng 30km, dọc tuyến đường quốc phòng chạy dài vào xã Gềnh Dầu, các trụ điện đã được nhân viên điện lực dựng sẵn, chuẩn bị tiếp nhận lưới điện quốc gia. “Khi hay tin sắp có điện lưới về, bà con ở đây thấy không có gì vui bằng; ngày đêm mong ngóng. Có điện, sinh hoạt của bà con sẽ đỡ cơ cực, không phải chịu cảnh trả tiền máy phát điện giá cao nhưng điện lúc có lúc không. Các nhà đầu tư cũng sẽ về đây mở nhà máy chế biến thủy hải sản, tạo công ăn việc làm cho con cháu…”, bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng, ở ấp Gềnh Dầu vui mừng nói. Hiện tại, 100% hộ dân ở xã Gềnh Dầu vẫn chưa có điện của nhà máy điện, chỉ nhờ vào máy phát duy nhất của một cơ sở sản xuất nước đá với giá 25.000 đồng/kWh. Hàng đêm, một hộ chỉ xài một cái bóng đèn và một cái ti vi cũng tốn trên dưới 1 triệu đồng/tháng tiền điện.
Tạo sức bật cho phát triển
Không chỉ khu vực vùng sâu vùng xa của huyện đảo Phú Quốc, ngay tại trung tâm dù đã có điện lưới của công ty điện lực nhưng khi hay tin có điện lưới quốc gia về, bà con cũng vui mừng không kém. Bà Hồ Kim Liên, chủ DNTN hải sản Khải Hoàn cho biết, mỗi tháng đơn vị tiêu thụ khoảng 7.000 kWh, nhân với giá thành ngành điện Kiên Giang tính cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 7.992 đồng (chưa có VAT), mỗi tháng chi từ 60 - 70 triệu đồng tiền điện, tương ứng 10.000 đồng/kWh. Chưa kể, do nguồn điện không ổn định, mỗi tuần cúp 1 đến 2 ngày và cúp đột ngột do sự cố, quá tải khiến công ăn việc làm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đình trệ. “Có điện lưới quốc gia về ổn định, chúng tôi sẽ yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất, đồng thời tính toán lại để điều chỉnh giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh”, bà Liên nói.
Nhiều chủ khách sạn, nhà hàng tại huyện đảo Phú Quốc đón nhận thông tin có điện lưới quốc gia về cũng hết sức vui mừng, đồng thời cam kết sẽ gia tăng dịch vụ, giảm giá thành để thu hút khách ngày càng đông hơn. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Lê Minh Hoàng cho biết, các dự án du lịch tại Phú Quốc chiếm 75% dự án du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, do giá điện cho ngành dịch vụ quá cao lại không ổn định nên chưa tạo được sức bật cho ngành du lịch. Nhiều nhà đầu tư lưỡng lự khi tìm hiểu đầu tư tại đây. Do vậy, khi hay tin lưới điện quốc gia sắp được kéo ra đảo Phú Quốc, nhiều nhà đầu tư trở lại đàm phán, triển khai. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư du lịch lớn của Nga đến tìm hiểu ký kết hợp tác đầu tư.
Cũng trong những ngày này, dọc các tuyến đường tại trung tâm huyện đảo Phú Quốc, đặc biệt những tuyến dọc bờ biển nhiều khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng… đang được khởi công với tiêu chuẩn 4, 5 sao. Qua đây cho thấy, các nhà đầu tư đang sẵn sàng cho bước chuyển mình bứt phá của huyện đảo Phú Quốc ngay khi điện lưới quốc gia được đấu nối. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Văn Hưng cho biết, sau khi điện lưới quốc gia được đấu nối sẽ ưu tiên những khu vực dân cư còn khó khăn để thúc đẩy phát triển, giúp bà con, đặc biệt các hộ nghèo ổn định và nâng cao mức sống. Ngoài ra, việc tiếp nhận điện lưới quốc gia sẽ giúp Phú Quốc chuyển mình phát triển bền vững từ mức tăng trưởng hiện nay bình quân 22%/năm lên 27% - 28% vào những năm tới. Đối với lĩnh vực du lịch chiếm trên 40% nguồn thu của địa phương cũng sẽ được đầu tư nâng lên thành khu du lịch trọng điểm quốc gia theo quy hoạch của Chính phủ phê duyệt.
LẠC PHONG