KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN VĨNH TÂN 4

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng

Tham dự Lễ khánh thành có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, EVN; Đại diện Lãnh sự quán các nước Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án cấp bách, nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7) của Chính phủ, được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Với tổng mức đầu tư dự án là trên 36.000 tỷ đồng, Nhà máy có tổng công suất 1200 MW gồm 2 tổ máy (2 x 600 MW), là nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi siêu tới hạn (Supper Critical), đốt than nhập khẩu. Đây là loại công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được đấu nối với hệ thống điện Quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500kV, với sản lượng điện sản xuất bình quân hằng năm khoảng 7,2 tỷ kWh, phục vụ cung cấp điện chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam, góp phần quan trọng cho việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia, nhất là vào mùa khô hàng năm.

Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3/Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân được giao nhiệm vụ Tư vấn quản lý dự án. Dự án được thực hiện bởi tổ hợp Nhà thầu DOOSAN (Hàn Quốc) – Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) – Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) – PACIFIC. Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3) phối hợp với tư vấn phụ nước ngoài làm tư vấn giám sát thi công xây dựng. Đây cũng là Hợp đồng EPC nhà máy điện đầu tiên mà một đơn vị tư vấn trong nước  là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC để cùng đảm nhận các công việc của dự án. Việc tham gia liên danh với các nhà thầu quốc tế mở ra nhiều triển vọng mới trong việc tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế xây dựng điện, năng lực cạnh tranh cũng như khả năng phát triển trong lĩnh vực tổng thầu cho các công ty trong nước, phát huy nội lực; đồng thời giúp tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp nội địa và người lao động trong nước.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được khởi công vào tháng 3/2014. Các mốc tiến độ quan trọng của công trình đều đạt và vượt sớm hơn kế hoạch: Tổ máy S2 và các hạng mục dùng chung đã bàn giao và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 06/12/2017, sớm hơn kế hoạch 20 ngày và cấp PAC. Tổ máy S1 và toàn bộ Nhà máy đã bàn giao và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 31/3/2018, sớm hơn kế hoạch gần 03 tháng, có ý nghĩa quan trọng cho việc đảm bảo cung ứng điện của cả nước, đặc biệt cho khu vực miền Nam. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã được Bộ Xây dựng lựa chọn gắn biển công trình chào mừng 60 năm ngày truyền thống Ngành Xây dựng. Cùng với thủy điện Lai Châu, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vinh dự là một trong hai công trình của ngành Điện được Bộ Xây dựng chọn tổ chức gắn biển do đã hoàn thành tốt các tiêu chí về tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn EVN cũng vui mừng thông báo: Công tác xây dựng, lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng (1x600MW) cũng đã hoàn thành, dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối tháng 9/2019 và sẵn sàng phát điện cho hệ thống từ đầu tháng 10/2019.

Đánh giá cao thành công của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị tham gia dự án, Tập đoàn Điện lực EVN đã tặng Bằng khen cho các Thành viên Tổ hợp Nhà thầu EPC DMPP (Doosan - Mitsubishi - PECC2 - Pacific), Ban QLDA Nhiệt điện Vĩnh Tân và các đơn vị liên quan đã có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp vào thành công chung của dự án.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng bằng khen của EVN cho các tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Dự án.

Cũng tại buổi lễ, nhân dịp khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Tổ hợp Nhà thầu DMPP đã trao tài trợ 1 tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Đại diện Tổ hợp nhà thầu EPC DMPP trao tài trợ cho Quỹ vì người nghèo xã Vĩnh Tân,
huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ghi nhận, đánh giá cao EVN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực triển khai dự án, đưa công trình vào hoạt động sớm hơn tiến độ gần 03 tháng, tiết kiệm cho quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu năng lượng điện cho phát triển kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ

“Với kinh nghiệm tích luỹ tại công trình này, đề nghị EVN tiếp tục phát huy để đưa các dự án nguồn, lưới điện khác vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án và các yêu cầu về môi trường, đáp ứng nhu cầu điện trong các năm tới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và các tổ chức tín dụng quốc tế đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho dự án. Phó Thủ tướng đã biểu dương các cấp Chính quyền và nhân dân trong vùng dự án đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho EVN triển khai dự án.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy Vĩnh Tân 4

Trong giai đoạn tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hàng năm Việt Nam vẫn cần phải bổ sung từ 5-6 nghìn MW công suất nguồn điện mới để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, UB quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu qủa quản lý đầu tư, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng được nâng cao.

Theo báo cáo của EVN, trong suốt quá trình xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm dự án cho đến khi đưa vào vận hành, các tổ máy đều đảm bảo phát huy công suất thiết kế, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát điện cho hệ thống điện quốc gia, đến nay nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện trên 10,6 tỷ kWh; đồng thời cũng đảm bảo thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

 

Video: Quá trình hình thành và phát triển Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân

 

Chia sẻ: