Với đội ngũ khoảng 50 kỹ sư điện hạt nhân được đào tạo tại Liên bang Nga, Nhật Bản…, PECC2 là đơn vị tư vấn năng lượng duy nhất ở Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực điện hạt nhân khá dồi dào. Trong những năm qua, khi chương trình điện hạt nhân tạm dừng ở Việt Nam, các kỹ sư điện hạt nhân của PECC2 được phân công tham gia các công trình lưới điện và nguồn điện khác nhưng vẫn giữ được ngọn lửa đam mê điện hạt nhân nhờ các chương trình hợp tác thường xuyên giữa PECC2 với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và một số tổ chức quốc tế. Tiêu biểu trong số đó là hợp tác nghiên cứu quốc tế từ năm 2021 về đánh giá sơ bộ tính khả thi của việc triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân nổi và sản xuất hydro tại Việt Nam. Ngọn lửa đam mê này tiếp tục tỏa sáng để duy trì và giữ cho nguồn nhân lực điện hạt nhân của PECC2 sự sẵn sàng tham gia, đóng góp vào chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai sắp đến.
Đội ngũ kỹ sư điện hạt nhân của PECC2.
Tầm nhìn điện hạt nhân của PECC2
Từ những năm thập niên 1990, các kỹ sư nòng cốt hình thành bộ phận tư vấn nhiệt điện của PECC2 là các kỹ sư chuyên ngành nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân, được đào tạo bài bản tại Liên Xô. Đây là một ưu thế để bộ phận tư vấn nhiệt điện thường xuyên trao đổi, cập nhật kiến thức, công nghệ điện hạt nhân trên thế giới.
Vào những năm 2010 khi Việt Nam có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, PECC2 có cơ hội tham gia vào công tác khảo sát địa chất nhà máy, là công việc đòi hỏi tính chuyên môn và tiêu chuẩn khá cao. Ngoài ra, PECC2 còn cử các nhân sự tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng điện hạt nhân theo các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước, để chuẩn bị tham gia sâu hơn vào quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, từ năm 2016 do bối cảnh trong nước và quốc tế, Việt Nam đã có quyết định dừng triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong khi đó, hàng trăm sinh viên đã được Việt Nam cử đi đào tạo kỹ sư điện hạt nhân, chủ yếu tại Liên bang Nga, để chuẩn bị lực lượng vận hành cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, rơi vào tình trạng mất phương hướng nghề nghiệp.
Với lợi thế là một đơn vị tư vấn năng lượng năng động, đang trên đà phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, PECC2 đã đón nhận khoảng 50 kỹ sư điện hạt nhân để tạo điều kiện cho các kỹ sư trẻ có việc làm trong ngành năng lượng, đồng thời duy trì sự đam mê điện hạt nhân thông qua việc thành lập Câu lạc bộ Điện hạt nhân PECC2.
PECC2 còn chú trọng việc hợp tác nghiên cứu phát triển điện hạt nhân với các đối tác trong và ngoài nước, nhằm không ngừng củng cố và nâng cao năng lực điện hạt nhân, để sẵn sàng tham gia đóng góp vào chương trình phát triển điện hạt nhân thế hệ mới của Việt Nam trong tương lai.
Điển hình là thỏa thuận hợp tác quốc tế được PECC2 ký với các đối tác Seaborg Technologies (Đan Mạch) và Siemens Energy Global (Đan Mạch/ Đức/ Việt Nam) vào năm 2021; và thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu công nghệ, pháp lý và cơ sở hạ tầng, được PECC2 ký với VINATOM vào năm 2022.
PECC2 và VINATOM ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu công nghệ, pháp lý và cơ sở hạ tầng nhằm triển khai dự án điện hạt nhân mô-đun quy mô nhỏ (SMR).
Một số kết quả tiêu biểu hợp tác điện hạt nhân
Điểm sáng trong bức tranh hợp tác điện hạt nhân của PECC2 là hợp tác quốc tế với các đối tác Seaborg Technologies và Siemens Energy Global về nghiên cứu sơ bộ tính khả thi triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân nổi sử dụng lò phản ứng muối nóng chảy ở Việt Nam, có xem xét kết hợp với nhà máy sản xuất hydro và sản xuất amoniac công suất lớn. Tài liệu nghiên cứu đã được các bên xuất bản vào tháng 01 năm 2022, đề cập các nội dung chính như: phát triển công nghệ và cấp phép lò phản ứng hạt nhân; thiết kế nhà máy điện hạt nhân nổi dạng mô-đun; thiết kế nhà máy sản xuất hydro và amoniac; xác định các địa điểm tiềm năng đặt nhà máy điện hạt nhân nổi và đánh giá ban đầu; khái quát chi phí sơ bộ thực hiện dự án.
Báo cáo đánh giá sơ bộ tính khả thi của việc triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân nổi và nhà máy sản xuất hydro tại Việt Nam do PECC2, Searborg Technologies và Siemens Energy Global hợp tác thực hiện.
Tiếp theo đó, vào tháng 5 năm 2022, PECC2 và Seaborg Technologies, Siemens Energy Global phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Điện hạt nhân thế hệ mới – Xu hướng công nghệ và triển vọng phát triển”. Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đánh giá tích cực, tạo tiếng vang tốt về ngọn lửa đam mê điện hạt nhân của PECC2.
PECC2, Searborg Technologies và Siemens Energy Global hợp tác tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Điện hạt nhân thế hệ mới – Xu hướng công nghệ và triển vọng phát triển”.
Điểm nhấn khác không kém phần quan trọng là hợp tác với VINATOM và thông qua VINATOM, PECC2 có cơ hội tham gia các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như: Chương trình Phát triển hạ tầng cho việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (Foundational Infrastructure for Responsible use of SMR Technology - FIRST) của Hoa Kỳ; các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về phương pháp luận INPRO (International Project on Innovative Nuclear Reactors and Fuel Cycles – Dự án quốc tế về lò phản ứng hạt nhân mới và các chu trình nhiên liệu) và sử dụng bộ công cụ phần mềm ASENES (Analysis Support for Enhanced Nuclear Energy Sustainability – Hỗ trợ phân tích để nâng cao tính bền vững hệ thống năng lượng hạt nhân).
Đại diện PECC2 tham gia Hội thảo “Lò phản ứng mô-đun nhỏ và FNPP” do Chương trình FIRST tổ chức tại Hà Nội vào năm 2022 (Nguồn: BTC Hội thảo).
Đại diện PECC2 tham gia khóa đào tạo “Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân bền vững” do IAEA phối hợp cùng Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP) tổ chức tại Thành phố Trieste, Ý (Nguồn: ICTP).
Về nghiên cứu khoa học, các kỹ sư PECC2 cùng tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học do VINATOM chủ trì như: Đề tài Nghiên cứu sử dụng bộ công cụ của INPRO trong phân tích các kịch bản điện hạt nhân và khả năng áp dụng vào Việt Nam; và Đề tài (cấp Bộ Khoa học và Công nghệ) Nghiên cứu đánh giá các kịch bản tích hợp điện hạt nhân vào hệ thống năng lượng của Việt Nam bằng công cụ MESSAGE.
Tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế
Không chỉ thúc đẩy việc mở rộng hợp tác theo các chương trình với các đối tác nêu trên, PECC2 còn tiếp tục củng cố và duy trì quan hệ với các tổ chức như Tập đoàn Hạt nhân Nga (ROSATOM); Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế Nhật Bản (JINED).
PECC2 đang tham gia trao đổi thông tin, dữ liệu cho dự án hợp tác giữa VINATOM và ROSATOM về tính toán chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, bao gồm tính toán chi phí cho nhà máy điện hạt nhân công suất lớn loại VVER – 1200 MW và tính toán cho 6 lò phản ứng công suất nhỏ SMR loại RITM-200 có tổng công suất 300 MW. Đối với mảng đào tạo, ROSATOM cũng đề xuất tổ chức các chương trình đào tạo về SMR cho kỹ sư của PECC2 tại Nga.
Trong mối quan hệ hợp tác với JINED, PECC2 cử nhân sự tham gia các khóa học về công nghệ hạt nhân Nhật Bản do JINED tổ chức tại Việt Nam; và hàng tháng, JINED cung cấp các bản tin về năng lượng do đơn vị này phát hành để cập nhật các sự kiện và chính sách phát triển năng lượng của Nhật Bản và thế giới.
Hoạt động nội bộ sinh động và đa dạng
Đối với các hoạt động nội bộ, PECC2 chú trọng vào cập nhật kiến thức, công nghệ, cơ sở hạ tầng và pháp lý về điện hạt nhân cho các nhân sự thông qua các hoạt động đa dạng như: Thường xuyên cập nhật các khóa học trực tuyến về năng lượng hạt nhân để đưa lên hệ thống PECC2 eLearning; cập nhật các hội thảo trực tuyến, webinar về điện hạt nhân (cùng các tài liệu liên quan) của các tổ chức quốc tế (IAEA, NEA, v.v.) để đưa lên trang web của PECC2; biên soạn, tổng hợp các bài viết cập nhật về công nghệ điện hạt nhân, dự án phát triển điện hạt nhân và kế hoạch/ chiến lược phát triển điện hạt nhân của các nước để đưa lên Bản tin PECC2 (PECC2 NEWS); và đặc biệt là hàng năm (kế từ năm 2022), trong các ấn phẩm “Phân tích và nhận định của PECC2 về triển vọng phát triển năng lượng Việt Nam”, đều dành một chương đề cập đến phát triển công nghệ điện hạt nhân và tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam.
Một số khóa điện hạt nhân trực tuyến trên PECC2 eLearning.
Ấn phẩm “Phân tích và nhận định của PECC2 về triển vọng phát triển năng lượng Việt Nam”, được xuất bản định kỳ hằng năm.
Một số bài viết về điện hạt nhân do PECC2 thực hiện và đăng trên Bản tin PECC2.
Ban Lãnh đạo công ty sinh hoạt cùng Câu lạc bộ Điện hạt nhân PECC2.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, PECC2 đang từng bước củng cố và phát triển năng lực về điện hạt nhân của đội ngũ kỹ sư nói riêng và Công ty nói chung. Các hoạt động này không chỉ giúp duy trì ngọn lửa đam mê của đội ngũ kỹ sư điện hạt nhân, mà còn là sự chuẩn bị “dài hơi”, thể hiện tầm nhìn của Ban lãnh đạo và khẳng định vai trò tiên phong của PECC2, là đối tác tin cậy trong lộ trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam một cách an toàn, an ninh và bền vững.
Thực hiện: PECC2