PECC2 tự hào kiến tạo Trung tâm Vận hành Nhà máy điện mặt trời từ xa đầu tiên của Việt Nam

Tập thể các kỹ sư Trung tâm Quản lý Vận hành Nhà máy điện PECC2

 

PV: Ý tưởng thành lập Trung tâm Vận hành Nhà máy điện từ xa PECC2-OCC đến từ đâu, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tiến : Năm 2018, PECC2 triển khai xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời. Thứ nhất là nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân giai đoạn 1 (công suất thiết kế 5MWp) kết nối lưới điện khu vực 22kV của tỉnh Bình Thuận. Thứ hai là nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 (công suất thiết kế 50 MWp), kết nối lưới điện 110kV cũng thuộc tỉnh Bình Thuận. PECC2 cũng làm tổng thầu EPC và vận hành nhà máy điện mặt trời Ninh Phước 6.1&6.2 (có công suất thiết kế 58.3 MWp) kết nối với lưới điện 110kV tỉnh Ninh Thuận.

Đặc thù các nhà máy này là nằm rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, trụ sở PECC2 lại nằm ở TP.Hồ Chí Minh. Việc nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, vận hành thiết bị thường gặp khó khăn. Một số nhà máy lại nằm gần nhau và sử dụng chung sân phân phối nên việc sử dụng nhiều ca, kíp vận hành gây lãng phí nhân lực và tăng chi phí. Điều đó dẫn đến nhu cầu cấp bách trong việc kết nối hệ thống điều khiển (DCS) của các nhà máy này lại với nhau. Trung tâm quản lý vận hành từ xa (PECC2-OCC) ra đời từ nhu cầu đó. Được sự cho phép của EVN và Cục điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, sau 6 tháng lắp đặt và thử nghiệm, ngày 8/01/2020, PECC2-OCC đã chính thức đi vào vận hành.

Quản lý vận hành nhà máy điện từ xa cũng chính là dịch vụ quan trọng, một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển hệ thống các nhà máy điện mặt trời, điện gió… trên thị trường trong tương lai.

 

PV: Ông có thể giải thích cụ thể hơn những lợi ích mà PECC2-OCC đem lại?

Ông Vũ Anh Tiến: Việc PECC2-OCC đi vào vận hành đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, PECC2-OCC giúp giảm số lượng nhân viên vận hành tại mỗi nhà máy từ 6 nhân viên gồm 3 trưởng ca, 3 nhân viên vận hành xuống còn 3 nhân sự, gồm 1 trưởng ca kiêm nhân viên vận hành và 2 nhân viên vận hành. Việc này sẽ tối ưu hoá chi phí trong lĩnh vực điều khiển vận hành cho các nhà máy điện tại Việt Nam. Xa hơn, cải tiến này đáp ứng được nhu cầu chuyên nghiệp hóa cho mô hình điều khiển Nhà máy và Trạm biến áp không người trực trong tương lai.

Chế độ báo cáo hàng ngày của các nhà máy có kết nối PECC2-OCC cũng sẽ được thực hiện tập trung, kịp thời, hạn chế các sai sót chủ quan. Phần mềm Hệ thống quản lý năng lượng hỗ trợ người vận hành phân tích, đánh giá chi tiết hiệu suất và chất lượng phát điện của nhà máy điện mặt trời. Thông qua Trung tâm điều khiển từ xa, các kỹ sư vận hành hàng ngày sẽ có đầy đủ các thông số về nhiệt độ, công suất phát điện, hiệu suất hoạt động của các tấm pin, tình trạng các thiết bị của nhà máy… qua đó đánh giá và dự báo chính xác tình hình hoạt động của các thiết bị và có các biện pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà máy.

 

PV: Cụ thể, phạm vi điều khiển của PECC2 OCC như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tiến : PECC2-OCC không chỉ thực hiện chức năng giám sát mà còn cho phép các kỹ sư đánh giá tình trạng hoạt động của nhà máy, điều khiển từ xa, đóng mở các thiết bị, thay đổi các thông số để tối ưu chế độ vận hành của nhà máy, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả vận hành nhà máy.

Phạm vi điều khiển của PECC2 OCC bao gồm:

  • Khởi động/dừng nhà máy.
  • Tăng/giảm công suất hữu công (P).
  • Tăng/giảm công suất vô công (Q).
  • Thay đổi nấc phân áp MBA, điều khiển hệ thống làm mát MBA.
  • Thao tác đóng cắt các thiết bị như máy cắt & dao cách ly của sân phân phối cao áp.

Trung tâm điều khiển từ xa (OCC) của PECC2

 

PV: Lần đầu tiên Việt Nam có Trung tâm Vận hành Nhà máy điện mặt trời từ xa, quá trình thiết kế, lắp đặt và vận hành công trình này có những thử thách gì?

Ông Vũ Anh Tiến: Có thể nói là rất phức tạp. Do các nhà máy thuộc các gói thầu và nhà thầu khác nhau với những hệ thống máy tính khác nhau, việc kết nối khi lắp đặt hệ thống PECC2-OCC tốn rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt trong công việc cấu hình tín hiệu từ nhà máy lên hệ thống PECC2-OCC. Song song đó, đơn vị cũng phải thực hiện các thủ tục xin cắt điện để kiểm tra các tín hiệu PTP (Point to Point), và ETE (End to End) lên hệ thống PECC2-OCC và các trung tâm điều độ A0, A2.

Hiện tại, hệ thống PECC2-OCC đã giúp dự báo ngắn hạn khả năng phát điện của nhà máy theo ngày, giờ, phân tích và phát hiện lỗi vận hành. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa khả năng này, cần phải có nguồn dữ liệu dự báo thời tiết tin cậy.

Ngoài ra, hệ thống PECC2-OCC cũng cần phải được tiếp tục cải tiến qua việc tích hợp phần mềm quản lý, tự động đưa ra cảnh báo liên quan đến công tác bảo trì, sửa chữa định kỳ các thiết bị trong nhà máy điện.

Hiện tại, hệ thống PECC2-OCC đang vận hành cho các nhà máy điện mặt trời. Tương lai, để áp dụng vận hành cho các nhà máy điện gió, nhiệt điện, thuỷ điện… hệ thống cần phải được cài đặt nâng cấp các phần mềm, phần cứng chuyên dụng cho từng loại nhà máy.

 

Kỹ sư làm việc tại trung tâm OCC

 

PV: Sự ra đời của PECC2-OCC có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của ngành điện nước ta nói chung và PECC2 nói riêng, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tiến: Việc thành lập PECC2-OCC đảm bảo cho công tác quản lý vận hành, sản xuất điện, sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy điện được hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về độ tin cậy trong hoạt động cung cấp điện, giảm tổn thất điện, nâng cao hiệu suất quản lý, bảo đảm an toàn cho con người và nâng cao tuổi thọ thiết bị của các nhà máy.

Đây cũng là một bước tiến có ý nghĩa trong lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hướng đến nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường…

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Kỹ sư Lê Thanh Nghị

Chia sẻ: