Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I
Ngay từ thời xa xưa, người La Mã đã biết sử dụng tro núi lửa, đá vôi với các chất phụ gia như sữa, máu và mỡ động vật để xây dựng. Nhiều công trình vẫn thách thức với thời gian, tồn tại qua hàng nghìn năm cho đến ngày hôm nay. Thế nên, việc sử dụng tro của các nhà máy nhiệt điện trong xây dựng của con người ngày hôm nay, thực chất là lập lại công việc đó.
Trên thế giới, kể từ đầu thế kỷ trước, nhiều nước như Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ... đã quan tâm đến việc tích chứa và nghiên cứu tái sử dụng tro, xỉ nhiệt điện. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu sử dụng phế phẩm từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu sản xuất xi măng, gạch không nung, phụ gia cho bê tông và dùng đắp nền, cải tạo gia cố nền móng đường.
Kết quả nghiên cứu nói chung đều đánh giá, việc sử dụng các phế phẩm này rất khả quan, mang hiệu quả thực tiễn cao và đem lại lợi ích nhiều mặt. Tro bay và xỉ đáy lò được sử dụng trong ngành xây dựng với các ứng dụng khác nhau.
Sử dụng tro bay và xỉ đáy lò trong ngành xây dựng ở châu Âu
Ở Việt Nam, tro bay đã tuyển chọn được sử dụng phổ biến cho sản xuất bê tông đầm lăn, đáp ứng nguồn vật liệu cho các đập trọng lực, công trình thủy điện với khối lượng lớn. Trong lĩnh vực xây dựng giao thông, bước đầu, có một số đề tài nghiên cứu sử dụng các phế phẩm này như: nghiên cứu các tính chất chủ yếu của bê tông đầm lăn cho đường ô tô và sân bay, nghiên cứu về việc ứng dụng tro bay để gia cố cát hạt nhỏ làm móng đường ô tô.
Cùng với đó là một số quy định, TCVN đã được ban hành cho việc sử dụng phế phẩm dùng để làm mặt đường, đắp nền, cải tạo đất, gia cố đất và móng đá dăm, như: quy định tạm thời số 4452/QĐ -BGTVT, TCVN 10302:2014, TCVN 10379:2014, quy định tạm thời số 3095/QĐ-BGTVT. Thêm vào đó, ngày 12/4/2017, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 452/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Ngõ 18, tổ dân phố Linh Tiến, phường Thạch Linh sử dụng vật liệu tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 làm nền đường, giảm giá thành đầu tư xây dựng.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông của tỉnh Hà Tĩnh đang phát triển mạnh, nhiều dự án xã hội hóa đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh tại một số huyện như Thạch Hà, Kỳ Anh... Trong khi đó, nguồn vật liệu xây dựng (đất, cát, đá…) cho các công trình giao thông ngày càng khan hiếm, giá thành cao do yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường. Chính vì thế, việc tận dụng các phế phẩm sẵn có từ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng sẽ là bước đột phá, góp phần giảm giá thành xây dựng, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Hiện nay, nhà máy với hai khối Lò hơi – Tuabin – Máy phát, mỗi khối có công suất thiết kế 600 MW, lượng tiêu thụ than vào khoảng 2,9 triệu tấn/ năm tương ứng với lượng tro, xỉ đáy lò khoảng 1 triệu tấn/năm. Với nguồn phụ phẩm dồi dào này, sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu vật liệu xây dựng cho đường giao thông nông thôn của tỉnh.
Có thể kể đến một số ứng dụng chính của tro bay, xỉ đáy lò trong xây dựng giao thông như: sử dụng làm phụ gia khoáng cho bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông tự lèn; dùng thay bột đá trong bê tông Asphalt, gia cố móng đường, cải thiện đặc tính của đất. Ngoài ra, tro bay, xỉ đáy lò còn được dùng để đắp nền, đắp trả kết cấu, làm vật liệu đất lấp sau tường chắn và cát nhân tạo cho bê tông.
Sản phẩm gạch không nung của Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Trần Châu được sử dụng 17-20% chất phụ gia là tro bay, tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Hiện tại, thông qua các kết quả thí nghiệm của Viện Vật liệu xây dựng, tro bay và xỉ đáy lò Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đáp ứng được các tiêu chuẩn, hoàn toàn có thể ứng dụng làm vật liệu xây dựng, cho rất nhiều các ứng dụng khác nhau mà các nghiên cứu trên toàn thế giới đã chứng minh. Bên cạnh đó, sản phẩm tro bay và xỉ đáy lò của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đã được Viện Công nghệ môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam lấy và phân tích mẫu xác nhận không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại QCVN 07:2009/BTNMT.
Đặc tính của tro bay: Tro bay là phế thải mịn, có kích thước hạt bụi, dạng hình cầu, đường kính từ 10µm - 100µm, tồn tại dưới dạng tinh thể hoặc vô định hình, hàm lượng SiO2 chưa kết tinh cao và có màu xám nhạt. Tro bay muốn sử dụng tốt phải tuyển để hàm lượng mất khi nung nhỏ hơn 6%. Theo kết quả thí nghiệm tại Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, đặc tính cơ lý của tro bay Vũng Áng I phù hợp với mức yêu cầu kỹ thuật của tro bay loại F theo quy định của ASTCM C618, đạt tiêu chuẩn để sử dụng làm vật liệu xây dựng. Đặc tính của xỉ đáy lò: Xỉ đáy lò là phế thải dạng thô, kích thước hạt thay đổi từ cát mịn đến đá dăm, trong đó chủ yếu là hạt cát chiếm (50% ÷ 90% lọt qua cỡ sàng 4,75mm; 10% ÷ 60% lọt sàng 0,42mm; 0% ÷ 10% lọt sàng 0,075mm). Xỉ đáy lò thường có màu xám đến đen, khá góc cạnh và có cấu trúc bề mặt xốp. Xỉ đáy lò muốn sử dụng được thì hàm lượng SO3 quy đổi không vượt quá 1,9g/lít. |
Nguồn: Báo Hà Tĩnh