Quản trị dữ liệu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn

Trong nền kinh tế dữ liệu, quản trị dữ liệu như thế nào để vừa nhận được lợi ích từ chúng, lại vừa tránh được việc lạm dụng, sử dụng chúng sai mục đích hiện là một câu chuyện chưa trọn vẹn trên thế giới. Khung pháp lý cho dữ liệu vẫn còn khiếm khuyết, hệ thống dữ liệu và hạ tầng cho tương tác và trao đổi dữ liệu vẫn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp. Bên cạnh đó, còn có sự thiếu khuyết của tổ chức/định chế về dữ liệu có năng lực quản trị, khả năng tự chủ trong việc ra quyết định và nguồn lực tài chính cần thiết. Bài viết này tóm lược báo cáo “Dữ liệu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn” (2021) của World Bank với nội dung nhìn lại thực trạng trên và hướng đến một khế ước xã hội về dữ liệu gồm ba trụ cột chính: Giá trị, Tin tưởng và Công bằng.

1. Thực trạng sử dụng dữ liệu để thúc đẩy các mục tiêu phát triển

Dữ liệu có thể cải thiện, làm lợi cho cuộc sống của mọi người bằng nhiều cách thức khác nhau. Tuy vậy, các yếu tố kinh tế và chính trị ít nhiều ngăn chặn việc chia sẻ các lợi ích này một cách công bằng. Bên cạnh đó, các giá trị của dữ liệu phục vụ sự phát triển vẫn chưa được khai thác một cách rộng rãi. Để có thể khai thác đầy đủ giá trị của chúng, cần lặp đi lặp lại việc tái sử dụng dữ liệu và thay đổi mục đích khai thác một cách sáng tạo hướng đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Để làm được điều này, cần xây dựng một môi trường tin cậy mà ở đó dữ liệu có thể được chia sẻ, trao đổi giữa các bên, tạo điều kiện cho dữ liệu được tái sử dụng với mục đích khác nhau nhưng không được dùng với mục đích xấu. Việc xây dựng một môi trường như vậy rõ ràng là một thách thức không nhỏ.

Cần phải có một hệ thống pháp lý quản trị dữ liệu mạnh, bao gồm các chính sách, các luật, các quy định, và các tổ chức, nhằm bảo đảm giá trị đầy đủ của dữ liệu được hiểu rõ, được chia sẻ một cách công bằng và an toàn.   

Hình 1. Khung khái niệm về sử dụng dữ liệu hướng đến sự phát triển

Dữ liệu khu vực công

Các dữ liệu có nguồn gốc hoặc phục vụ cộng đồng là nền tảng quan trọng cho các chính sách công và đóng vai trò chuyển dịch quan trọng trong khu vực công. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về mức độ sẵn sàng, về chất lượng, về độ khả dụng của những dữ liệu này là rất phổ biến, đặc biệt ở các nước nghèo. Những quốc gia này sẽ nhận được mức độ lợi ích rất lớn nếu kho dữ liệu cộng đồng của họ được cải thiện.

Sự thiếu khuyết về tài nguyên, năng lực kỹ thuật, và khung quản trị dữ liệu đã gây trở ngại việc tạo ra dữ liệu hữu ích phục vụ chính sách công. Bên cạnh đó, giới hạn về nhu cầu dữ liệu cũng như năng lực đọc, hiểu dữ liệu cũng dẫn đến việc sử dụng dữ liệu cho chính sách công bị hạn chế. Những vấn đề này có thể giải quyết thông qua các hoạt động có ưu tiên một cách hệ thống, bao gồm chuẩn bị nguồn tài chính dài hạn, đầu tư vào con người và bảo đảm tuân thủ luật pháp nhằm hướng đến việc tạo ra, trao đổi và sử dụng dữ liệu một cách an toàn. Trong một số trường hợp, việc đầu tư cải thiện một hệ thống dữ liệu có thể đem lại những lợi ích vượt qua khoản đầu tư ấy.

Tuy vậy, sự bảo đảm về chính trị và tài chính của chính phủ cho việc thu thập, tạo ra dữ liệu phục vụ các mục đích công cộng vẫn là một vấn đề còn nhiều giằng co, khó giải quyết ở các nước có thu nhập thấp.

Dữ liệu khu vực tư nhân

Các hoạt động kinh doanh đang tận dụng các giá trị to lớn từ các dữ liệu kinh doanh, cũng như từ các dữ liệu được chia sẻ bởi chính phủ. Việc sử dụng dữ liệu như là đầu vào quan trọng cho các quyết định kinh doanh đã góp phần khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí các giao dịch. Việc này cũng thúc đẩy gia tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và sự phát triển. 

Việc sử dụng dữ liệu trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp giúp giảm sự phân liệt thị trường, và vì thế cải thiện sân chơi kinh tế hướng về phía người nghèo và tầng lớp bị thua thiệt. Những người này cũng có thể mua bán, trao đổi thông qua các nền tảng và dịch vụ truy cập miễn phí. Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, nó cũng có thể làm trầm trọng hơn các bất bình đẳng khi mà các kỹ năng nền tảng, hạ tầng, tài chính không được phân bố đều khắp ở các nước này.   

Việc sử dụng dữ liệu trong kinh doanh, ở một bình diện khác, có thể làm nghiêng lợi thế kinh tế về phía các tập đoàn đa quốc gia so với các doanh nghiệp quốc nội ở các nước nghèo, xuất phát từ quy mô và phạm vi của dữ liệu được sử dụng.  

Mặc dù việc sử dụng dữ liệu trong quá trình sản xuất kinh doanh đem lại rất nhiều cơ hội để giải quyết các thách thức của sự phát triển, các nhà làm chính sách cũng nên chú ý đến các nguy cơ của sự tập trung quyền lực kinh tế, các mô hình bất bình đẳng, và bảo vệ quyền cá nhân.

 

Tái sử dụng dữ liệu một cách sáng tạo để thu được lợi ích lớn hơn

Sự sáng tạo khi tái sử dụng dữ liệu và kết hợp dữ liệu khu vực công và dữ liệu khu vực tư đang mở ra cánh cửa cho các tác động phát triển chưa từng được hình dung trước đây. Những sự đổi mới sáng tạo này có thể giúp nhận dạng và thúc đẩy các mục tiêu công, hỗ trợ các chính phủ cải thiện và tập trung vào cung cấp các dịch vụ, nâng cao sức mạnh cho mỗi cá nhân và toàn thể xã hội. Khi các dữ liệu khu vực tư nhân được điều hướng để sử dụng cho mục đích công cộng, chúng có thể làm san phẳng hố ngăn cách dữ liệu và giúp nhận ra bản chất của các vấn đề trên quy mô lớn một cách kịp thời.

Dữ liệu tư thường khó phân tích, giám sát và điều chỉnh. Hơn thế nữa, trong lĩnh vực dữ liệu tư,  những người nghèo thường hay bị coi nhẹ, và điều này dễ góp phần gây ra những bất công và phân biệt lâu dài. Trong trường hợp này, bảo vệ dữ liệu là điều cần quan tâm. Các quy định đáp ứng và các thiết lập bảo vệ thông tin khách hàng cần được xây dựng, cùng với đó là việc nhận dạng những thành phần nào đã không được xem xét trong lĩnh vực dữ liệu tư. 

Để dùng dữ liệu tư phục vụ hiệu quả cho xây dựng chính sách, cần có sự đầu tư có tính phối hợp trong ngắn và dài hạn cho việc đào tạo, xây dựng đối tác dữ liệu, và vào các nghiên cứu liên quan.

2. Quy hoạch quản trị dữ liệu theo khế ước xã hội với ba trụ cột Giá trị, Tin tưởng và Công bằng

Hình 2. Khế ước xã hội về dữ liệu, được xây dựng dựa trên Giá trị, Tin tưởng và Công bằng

Chính sách hạ tầng dữ liệu: Bảo đảm công bằng truy cập cho người nghèo và nước nghèo

Với sự ra đời của các công nghệ, dịch vụ về dữ liệu mới có tính di động, các nhà chính sách nên chủ động tạo điều kiện cho việc thương mại hóa chúng bằng cách giới thiệu các tính chất cạnh tranh của dịch vụ, và hỗ trợ việc chia sẻ hạ tầng, nếu cần thiết.   

Các chính sách về dịch vụ toàn cầu cũng nên đưa vào các đánh giá nhằm làm giảm các cản trở về nhu cầu dữ liệu đối với những người ít khi tìm kiếm dịch vụ dữ liệu, dù rằng chúng nằm trong khả năng truy cập của họ.

Hình 3. Hạ tầng dữ liệu toàn cầu còn chưa phủ đều khắp thế giới

Để bảo đảm dịch vụ dữ liệu có chi phí hợp lý và tốc độ cao, trong tình trạng hạ tầng dữ liệu còn chưa phủ đều khắp thế giới, các nhà chính sách cần tạo điều kiện phát triển hạ tầng dữ liệu trong nước, cụ thể là khuyến khích đầu tư các trung tâm cho thuê máy chủ lớn trong nước, trao đổi, xử lý dữ liệu tại chỗ, tránh việc dữ liệu phải đi đường vòng với khoảng cách giữa các châu lục.

Một thị trường cạnh tranh và kế hoạch quản trị dữ liệu mở là 2 chính sách quan trọng hỗ trợ sự ra đời của các trung tâm kết nối mạng và trung tâm dữ liệu tại chỗ. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường đầu tư ổn định cho các nhà đầu tư tư nhân vào trung tâm dữ liệu tại chỗ, cùng với sự sẵn sàng của các nguồn cung cấp điện năng sạch.

Chính sách dữ liệu, các luật và quy định: Tạo nên một môi trường dữ liệu tin cậy

Để tạo sự tin cậy bền vững trong các giao dịch dữ liệu, cần có khung pháp lý chắc chắn bảo đảm hai yếu tố: (i) bảo hộ dữ liệu, nhằm ngăn chặn việc dùng sai dữ liệu; và (ii) hỗ trợ, mở đường cho dữ liệu, nhằm tạo điều kiện cho việc truy cập và tái sử dụng dữ liệu.

Chính sách bảo hộ dữ liệu cần phân biệt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, trong đó với dữ liệu cá nhân thì cần yêu cầu cách tiếp cận theo các quyền được phép, còn đối với việc tái sử dụng dữ liệu phi cá nhân thì xem xét dựa trên cân bằng lợi ích.    

Các sự hỗ trợ cho việc chia sẻ dữ liệu thường nên hướng đến các dữ liệu cộng đồng nhiều hơn là dữ liệu khu vực tư, vì chính quyền thường ít có ảnh hưởng với những dữ liệu này.

Việc tạo ra một môi trường dữ liệu tin cậy vẫn đang trong một quá trình dang dở trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo. Không có hình mẫu khung pháp lý nào cho tất cả các nơi. Với những quốc gia có nền pháp trị yếu, cần có sự cẩn trọng chú ý đến năng lực và ưu tiên của chính quyền sở tại khi thiết kế các nguyên tắc bảo hộ và hỗ trợ dữ liệu.

Hình 4. Các thành phần trong hệ thống quản trị dữ liệu

 

Vai trò của định chế dữ liệu

Trong sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ về dữ liệu trên thế giới, như thể hiện ở hình dưới, dữ liệu còn có một vai trò là tái định hình tính cạnh tranh, thương mại và thuế trong một nền kinh tế thời gian thực, mà điều này thường gây ra nhiều nguy cơ cho nền kinh tế của các nước nghèo.

Hình 5. Sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại của các dịch vụ dựa trên dữ liệu

Trong điều kiện như vậy, các nước thu nhập thấp và trung bình thường cần xây dựng các tổ chức/định chế đủ năng lực để giải quyết các thách thức về chính sách do nền kinh tế dữ liệu gây ra. Một tổ chức/định chế để quản trị dữ liệu có 4 chức năng chính: Quy hoạch chiến lược; Phát triển các quy định và tiêu chuẩn; Đưa ra các tuân thủ và ràng buộc; Tạo ra các bài học và bằng chứng để khắc sâu bản chất và giải quyết các thách thức mới nổi. Các định chế phi chính phủ và các cơ cấu chẳng hạn như các tổ chức trung gian về dữ liệu có thể giúp chính phủ và các bên khác nhận được lợi ích từ việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu một cách an toàn, trong khi thúc đẩy việc tiếp cận dữ liệu và giá trị của chúng một cách công bằng. Các định chế công phải có đủ nguồn lực, khả năng tự chủ và năng lực kỹ thuật, bao gồm cả năng lực đọc, hiểu dữ liệu, để có thể thực hiện sứ mệnh của họ một cách trọn vẹn.

Thực hiện: Trần Huỳnh Ngọc

Tham khảo

World Development Report 2021: Data for Better Lives. Link: https://wdr2021.worldbank.org/the-report/

Chia sẻ: