Tín dụng xanh: Cơ hội để bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo

Nguồn: Internet

Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh từ chủ trương nhà nước

Tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối lên 21% tổng công suất lắp đặt và giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính là kế hoạch của Việt Nam cho tới năm 2030. Chủ trương này mở đường cho ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các dự án về năng lượng tái tạo. Để đáp ứng làn sóng đầu tư này, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu tung ra những gói cho vay giá trị lớn, lãi suất hấp dẫn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh.

Nguồn: Internet

Đến nay, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ tín dụng xanh đến năm 2020. Mới đây nhất, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nhận định vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc phát triển xanh, năng lượng tái tạo là rất quan trọng.

Đối với quốc gia, các chính sách tín dụng xanh sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hoà giữa kinh tế, môi trường và xã hội, cải thiện chất lượng đời sống người dân, hạn chế được rủi ro về môi trường mà nhiều quốc gia đã gặp phải do quá chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ sinh thái. Bên cạnh đó, đây cũng là chủ trương phù hợp với xu thế chung của thế giới, là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, dư nợ tín dụng xanh qua thống kê chưa đầy đủ đến tháng 6/2019 đã tăng rất nhanh lên đến 317.600 tỷ đồng. Tỷ trọng tín dụng xanh cũng tăng mạnh từ 1,5% lên 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu so sánh với nhu cầu 30,6 tỷ USD tài chính xanh đến năm 2020, thì đây đã là nguồn vốn trong nước đáng kể cho tăng trưởng xanh của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế tín dụng (131% GDP), việc xanh hoá đáng kể dòng tín dụng sẽ góp phần quyết định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thống kê tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/NHNN-CT và Công văn 9050/NHNN-TD giai đoạn 2016-2019

(Nguồn: Thống kê Ngân hàng Nhà nước)

Hấp dẫn, nhưng còn nhiều thách thức

Đối với các doanh nghiệp, chính sách tín dụng xanh là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, đồng thời có thêm động lực đầu tư vào các dự án mang tinh thần phát triển bền vững. Về phía cộng đồng và người tiêu dùng, tín dụng xanh mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, giúp duy trì và bảo tồn lợi ích về tài nguyên cho các thế hệ sau.

Tuy nhiên, thách thức trong việc tận dụng hiệu quả các chủ trương về tín dụng xanh là rất lớn. Các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để nhận đầu tư từ tín dụng xanh chưa nhiều. Các quy định pháp luật về tín dụng xanh hiện còn chưa chặt chẽ; các chính sách phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối … vẫn còn bất cập, chưa nhất quán.

Hệ thống công cụ mềm để thúc đẩy các dự án xanh cũng đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là về vấn đề hỗ trợ kĩ thuật, thẩm định dự án... Việc đánh giá mức độ rủi ro là một vấn đề nan giải với các ngân hàng, tổ chức tài chính. Các ngân hàng chỉ sẵn sàng cho vay khi họ có kinh nghiệm cao đối với các loại hình dự án đó. Vì vậy, rất cần thiết có một hướng dẫn chung hay “cẩm nang” về đánh giá rủi roc ho các dự án năng lượng xanh.

Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, kế hoạch triển khai hành động để phát triển tín dụng xanh.

Dự án điện mặt trời hút vốn đầu tư

Năng lượng mặt trời là một trong những năng lượng thu hút được dòng vốn đầu tư nhiều nhất trong thời gian qua. Hiện tại, lĩnh vực điện mặt trời nhận được quan tâm của nhiều ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Quân đội (MB) đã ký Thỏa thuận cấp tín dụng cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 với Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ (Công ty con của PECC2). Đồng thời, PECC2 cũng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ Quản lý vận hành cho ba nhà máy Điện mặt trời: Ninh Phước 6.1, Ninh Phước 6.2 và Sơn Mỹ 3.1. Ngoài việc đảm bảo tiến độ Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, PECC2 còn đảm nhiệm vai trò Tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Ninh Phước 6.1 và Ninh Phước 6.2. Đây cũng là một trong những Nhà máy Điện mặt trời đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận.

Thực hiện: Bình Minh

Tham khảo:

1. Ngô Quốc Thông. Tín dụng xanh - xu hướng tài chính tất yếu của nền kinh tế. Báo dân trí. 05/01/2019. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tin-dung-xanh-xu-huong-tai-chinh-tat-yeu-cua-nen-kinh-te-201901050910038.htm;

2. Vũ Đình Ánh. Phát triển tín dụng xanh. Báo kiểm toán. 03/12/2019. http://baokiemtoannhanuoc.vn/goc-nhin-chuyen-gia/phat-trien-tin-dung-xanh-142913;

3. Chỉ thị số 03/CT-NHNN của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;

4. Thùy Vinh. Điện mặt trời vẫn là kênh hút vốn tín dụng xanh lớn nhất. Báo đầu tư. 28/10/2019. https://tinnhanhchungkhoan.vn/tai-chinh/dien-mat-troi-van-la-kenh-hut-von-tin-dung-xanh-lon-nhat-301101.html.

Chia sẻ: