Trao cho phụ nữ vai trò chính trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Quá trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu không chỉ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, mà còn tạo ra các nguồn việc làm mới. Theo dự kiến, lực lượng lao động trong ngành năng lượng bền vững sẽ tăng từ 11 triệu người hiện nay lên đến 42 triệu người vào năm 2050 [1]. Đứng trên góc nhìn về tỷ lệ lao động theo giới tính, xu thế chuyển dịch năng lượng không chỉ làm thay đổi hệ thống năng lượng, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho việc gia tăng tỷ trọng nữ giới trong lực lượng lao động - một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng cân bằng.

Phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển năng lượng bền vững

Năng lượng tái tạo mở ra những cánh cửa cho sự góp mặt của nữ giới trong ngành năng lượng. Với sự hỗ trợ của chính sách công, phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các công việc trong lĩnh vực trẻ và năng động này. Cuộc khảo sát về bình đẳng giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) tổ chức đã chứng minh cho sự gia tăng tỷ lệ nữ giới trong lĩnh vực này. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ lao động nữ chiếm trung bình 32% trong ngành năng lượng tái tạo, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tham gia của nữ giới trong ngành dầu khí toàn cầu là 22% [2].

Biểu đồ về sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong ngành năng lượng tái tạo (Nguồn: IRENA)

Mặc dù sự tham gia của phụ nữ trong nhóm công việc liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (Science, Technology, Engineering, Mathematics - STEM) (28%) vẫn còn thấp hơn nhiều so với công việc hành chính (45%) [2], tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM sẽ tiếp tục tăng, vì ngày càng có nhiều sinh viên nữ theo học các ngành STEM ở các trường đại học. Nếu 10 năm trước, hiếm khi có diễn giả nữ phát biểu tại hội nghị năng lượng uy tín ở khu vực ASEAN, thì ngày nay, hơn 50% trong tổng số diễn giả ở các hội nghị khu vực là nữ giới.

Trên thực tế, phụ nữ có vai trò chiến lược giống như nam giới trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao, đưa ra những quyết định chính cho việc định hướng phát triển ngành năng lượng. Lợi thế của phụ nữ làm lãnh đạo nói chung là phong cách quản lý gần gũi, thân thiện, chịu lắng nghe và dễ dàng tiếp thu ý kiến, cũng như sự tỉ mỉ, chu đáo trong cách quan tâm và hỗ trợ các thành viên trong nhóm và đồng nghiệp. Do đó, nếu một người lãnh đạo nữ có tầm nhìn về vấn đề chuyển dịch năng lượng sẽ dễ dàng tác động lên quan điểm và nhận thức của những người xung quanh và định hướng sự phát triển của doanh nghiệp đó.

Ở một phương diện khác, phụ nữ không chỉ có sức ảnh hưởng đến những người xung quanh tại môi trường làm việc, mà còn ảnh hưởng lên chính những thế hệ con cháu của họ. Những hành vi, thái độ của người mẹ sẽ dễ dàng in sâu và định hình lối tư duy và thói quen của con cái. Do đó, phụ nữ thường là nhân tố quyết định đến việc thay đổi hành vi ở quy mô gia đình như tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải sinh hoạt, thậm chí còn là người truyền đạt chân thật nhất để thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ, về vấn đề bình đẳng giới nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng cân bằng.

Sự tiếp cận và tham gia của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi năng lượng tạo tiền đề và động lực cho nhiều phụ nữ khác tham gia và cuối cùng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng nhanh hơn đến cấp hộ gia đình. Thành quả to lớn sẽ đến từ những hành động nhỏ! Do đó, trao quyền cho phụ nữ chính là chìa khóa mở ra sự thành công trong việc chuyển dịch năng lượng cân bằng.

Tác động của những định kiến

Mặc dù phụ nữ có nhiều lợi điểm trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng con số 32% nữ giới trong ngành năng lượng tái tạo thật sự còn khiêm tốn [2]. Phụ nữ thực tế phải đối mặt với hàng loạt rào cản để tham gia vào lĩnh vực năng lượng mới như: định kiến về giới tính; chuẩn mực văn hóa - xã hội; thói quen tuyển dụng; thiếu nền tảng kiến thức; thiếu nhận thức về các cơ hội; làm việc ở vùng xa đô thị, xa gia đình và người thân; thiếu chính sách khuyến khích tại nơi làm việc v.v. Trong đó, định kiến về giới tính dường như là những rào cản lớn nhất, ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định cơ bản được đưa ra.

Nền tảng kiến thức STEM rất quan trọng trong ngành năng lượng tái tạo, nhưng do những định kiến về khả năng của bản thân khiến phụ nữ còn e ngại tham gia vào lĩnh vực này. Cụ thể, tại Malaysia, năm 2012 chỉ có 36% sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật, chỉ bằng một nửa tỷ lệ sinh viên nữ theo học ngành dược ở quốc gia này [2]. Hoặc ở Mông Cổ, vào năm 2013, tỷ lệ nữ giới theo học ngành khoa học máy tính là 30% và ngành kỹ thuật là 24%, thấp hơn rất nhiều so với 73% nữ sinh theo học ngành sinh học [2]. Định kiến về giới tính còn dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế khả năng tiếp cận thông tin nghề nghiệp và các mạng lưới kết nối liên quan.

Các rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong ngành năng lượng tái tạo (Nguồn: IRENA)

Dỡ bỏ rào cản để phụ nữ được phát triển xứng tầm

Như đã được đề cập, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình chuyển dịch năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững. Đó là yêu cầu thiết yếu và cần có những giải pháp, cũng như các chính sách kịp thời. Dựa vào kết quả khảo sát về bình đẳng giới trong ngành năng lượng tái tạo, IRENA đã đề xuất một loạt các giải pháp để dỡ bỏ các rào cản hạn chế sự đóng góp của phụ nữ trong ngành như:

  • Lồng ghép quan điểm về giới thông qua việc thường xuyên đánh giá và đào tạo nâng cao nhận thức để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới một cách rộng rãi, cũng như thay đổi các thói quen tại nơi làm việc.
  • Tạo sân chơi bình đẳng cho nữ giới và nam giới bằng cách thiết lập mạng lưới kết nối và hỗ trợ cố vấn cho phụ nữ.
  • Tăng cường tiếp cận với các cơ hội giáo dục và đào tạo thông qua việc điều chỉnh chương trình giảng dạy, cấp học bổng, đào tạo nghề cho phụ nữ.
  • Đặt ra các mục tiêu và hạn ngạch về giới để giải quyết sự mất cân bằng tại nơi làm việc, cam kết ra quyết định công bằng và minh bạch, đánh giá hiệu suất và trả lương bình đẳng.
  • Đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt hơn trong ngành năng lượng tái tạo.
  • Bổ sung, sửa đổi các chính sách và quy định tại nơi làm việc, tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản đối với lao động nữ.

Các giải pháp và chính sách được IRENA đề xuất để dỡ bỏ rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ trong ngành năng lượng tái tạo (Nguồn: IRENA)

Mặc dù chặng đường còn rất dài, nhưng cơ hội phía trước là rất lớn. Phụ nữ hãy mạnh dạn lên tiếng và hành động để thử sức mình và góp phần vào sự phát triển năng lượng bền vững. Như Estee Lauder, một nữ doanh nhân nổi tiếng người Do Thái, đã từng nói: “No one ever became a  success without taking chances… One must be able to recognize the moment and seize it without delay!” (Tạm dịch: Không một ai thành công nếu không nắm bắt cơ hội. Họ phải nhận ra khoảnh khắc ấy và nắm lấy nó ngay!”).

Chuyển dịch năng lượng cân bằng (Just Energy Transition) là quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn cả tác động kinh tế và xã hội đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng. Chuyển dịch cân bằng thúc đẩy sự bình đẳng và công bằng cho người lao động trong ngành nhiên liệu hóa thạch, cũng như các cộng đồng chịu ảnh hưởng bất công do nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch (ví dụ: người lao động thu nhập thấp, phụ nữ và trẻ em). [3]

Thực hiện: Nhi Đỗ

Tham khảo:

[1] Global Women’s Network for the Energy Transition. February 18, 2020. Women for Sustainable Energy – Strategies to Foster Women’s Talent for Transformational Change.

[2] International Renewable Energy Agency (IRENA). 2019. Renewable Energy: A Gender Perspective.

[3] Friedrich – Ebert – Stiftung Việt Nam. 06/04/2018. Hội thảo “Chuyển dịch Công bằng trong ngành Năng lượng”: Lộ trình hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam.

https://vietnam.fes.de/vi/vn-news-events-publications-detail/hoi-thao-chuyen-dich-cong-bang-trong-nganh-nang-luong-lo-trinh-huong-toi-chuyen-dich-co-cau-nang-luong-tai-viet-nam/

Chia sẻ: