CHI NHÁNH VẬN HÀNH VÀ BẢO TRÌ NHÀ MÁY ĐIỆN (POM) KHAI TRƯƠNG PHÒNG SIMULATOR

Ngày 31/1/2024, Chi nhánh Vận hành và Bảo trì nhà máy điện (POM) thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã tổ chức lễ khai trương phòng đào tạo hệ thống mô phỏng vận hành nhá máy điện (phòng Simulator) với hệ thống vận hành mô phỏng nhà máy điện (hệ thống simulator) – Đây được xem là một trong những công cụ công nghệ trực quan và hiệu quả, giúp nâng cao năng lực đào tạo về tư duy hệ thống, kỹ thuật và vận hành, xử lý sự cố cho đội ngũ kỹ sư, vận hành viên nhà máy điện. 

Buổi lễ có sự hiện diện của Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Chơn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị PECC2, Ban Tổng Giám đốc PECC2, Lãnh đạo các đơn vị PECC2, Ban Lãnh đạo POM và Trưởng các đơn vị POM.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Chơn Hùng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị PECC2, khẳng định: Trong những năm vừa qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của PECC2. Từ đó, việc đầu tư vào trang thiết bị giúp vận hành viên được thực hành qua các tình huống là yếu tố đã được PECC2 nghiên cứu và quyết định lựa chọn áp dụng mô hình mô phỏng trên nền tảng số và cung cấp các tình huống giả định để đào tạo các vận hành viên. Có thể nói, việc xây dựng và phát triển phòng Simulator là một bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ kỹ sư, vận hành viên của POM, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy điện nhà máy điện mà POM đang thực hiện vận hành và bảo trì. Ông Nguyễn Chơn Hùng cũng mong muốn phòng Simulator của POM có thể được khai thác tối đa và mang lại giá trị thiết thực, giúp nâng cao trình độ của đội ngũ vận hành viên EVN nói chung và POM nói riêng.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Chơn Hùng – Chủ tịch HĐQT PECC2 phát biểu tại buổi lễ.

Tham quan các không gian Trung tâm năng lực số PECC2 (DCC) và phòng Simulator, Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN đánh giá cao tinh thần sáng tạo và đổi mới của PECC2, đặc biệt trong việc áp dụng và tối ưu hóa các thành tựu của công cuộc chuyển đổi số vào công tác khảo sát thiết kế, quản lý dự án, cho đến công tác vận hành và bảo trì nhà máy điện. Trong những năm vừa qua, PECC2 đã có bước tiến vượt bậc, bắt kịp được xu hướng chuyển dịch năng lượng, tập trung vào phi tập trung hóa, phi carbon hóa, số hóa, và đã có bước chuẩn bị tốt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường năng lượng tái tạo đang thiếu nguồn nhân lực trong công tác vận hành. Ông Lâm bày tỏ hy vọng với bước phát triển lần này với sự ra đời của phòng Simulator, POM có thể đào tạo được đội ngũ vận hành viên đạt chuẩn phục vụ cho công tác vận hành và bảo trì nhà máy, giúp nâng cao được tính khả dụng và hiệu suất của các nhà máy, đóng góp vào sự ổn định của hệ thống điện cả nước.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc EVN tham quan tại phòng Simulator của POM.

Hệ thống Simulator tại POM được xây dựng, phát triển bởi nhà cung cấp STEAG (Ấn Độ), thuộc loại Generic Simulator; Có khả năng mô phỏng các bất thường và sự cố khẩn cấp theo thời gian thực, bao gồm cả các trục trặc và lỗi thiết bị để thể hiện phản ứng của nhà máy và các chức năng điều khiển nhà máy tự động; bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp các điều kiện ban đầu được xác định ở các giai đoạn khác nhau của nhà máy khi vận hành, từ đó giúp đánh giá, cải tiến quy trình vận hành bằng cách tạo ra các kịch bản vận hành khác nhau.

Học viên thực hành với hệ thộng Simulator.

Với hệ thống này, học viên có thể thực hành các thao tác vận hành như trên nhà máy điện thực trên môi trường giả lập mà không có rủi ro gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây hư hỏng thiết bị. Hệ thống giúp học viên có thể xác định các báo động, xử lý sự cố, ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp, từ đó giúp cải thiện năng lực để đảm bảo vận hành nhà máy điện một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời, việc đào tạo vận hành mô phỏng có thể được thực hiện từ xa, cho phép học viên tiếp cận tài liệu đào tạo và thực hành từ bất cứ đâu. 

Có thể thấy, phòng đào tạo mô phỏng vận hành nhà máy điện với các thiết bị, phần mềm hiện đại mô phỏng chức năng vận hành nhà máy điện là một bước tiến mới, giúp nâng cao năng lực đào tạo về tư duy hệ thống, kỹ thuật và vận hành, xử lý sự cố cho đội ngũ kỹ sư, vận hành viên nhà máy điện, từ đó giúp giảm chi phí đào tạo đáng kể khi so sánh với đào tạo trên thiết bị thực bằng cách cung cấp một môi trường đào tạo ảo.

Là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực vận hành và bảo trì nhà máy điện, bằng những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình vận hành, sửa chữa và bảo trì nhà máy điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện, trong thời gian tới, POM sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, giám sát và phân tích nhà máy, đảm bảo phục vụ công tác đào tạo, phát triển năng lực đội ngũ vận hành viên cũng như mang đến cho quý khách hàng những giải pháp toàn diện nhất.

Thực hiện: PECC2
 

Chia sẻ: