Đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1: 15 năm không ngừng phát huy hiệu quả

Thực hiện sửa chữa đường dây 500kV đang mang điện đem lại hiệu quả cao 

Tầm nhìn chiến lược

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, dấu ấn về tình trạng thiếu điện phải cắt luân phiên, khái niệm 2 “đỏ”, 1 “tắt” hẳn vẫn in đậm trong suy nghĩ của mỗi người dân, nhất là các địa phương ở khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, nguồn điện lại phân bố không đều. Hầu hết các nhà máy điện lớn khi ấy lại ở miền Bắc, nhất là từ khi Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình hoàn thành và đưa vào vận hành, thì miền Bắc lại dư thừa sản lượng điện khá lớn. Chính vì vậy, trên cơ sở xem xét các biện pháp giải quyết thiếu điện cho miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và dự kiến kế hoạch phát triển điện giai đoạn 1991-2000, Chính phủ đã quyết định xây dựng công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam. Quyết định táo bạo này đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Giải pháp này chỉ có ý nghĩa nếu công trình hoàn thành trong thời gian là 2 năm, vì nếu kéo dài 3-4 năm thì không thể so sánh với phương án xây dựng nhà máy điện tại chỗ. Do đó, không chờ cho sự ngổn ngang của dư luận lắng xuống, công trình đã được khởi công vào ngày 5/4/1992. Sau 2 năm tập trung tổng lực, theo phương thức vừa khảo sát, vừa thiết kế, vừa nhập vật tư thiết bị, vừa thi công, đúng 19 giờ 07 phút ngày 27/5/1994, công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam đã hoàn thành, đóng điện và đưa vào vận hành. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ phát huy tốt vai trò trao đổi năng lượng, chuyển tải năng lượng điện bù đắp cho sự thiếu hụt công suất tại mỗi thời điểm ở các vùng miền, mà còn chứng tỏ tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của Chính phủ, đồng thời tạo ra tiền đề phát triển quan trọng cho ngành Điện Việt Nam. Mặt khác, sự kiện này còn ghi dấu mốc quan trọng với việc lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện quốc gia được liên kết thống nhất trong toàn quốc, nâng cao tính ổn định và độ tin cậy cho toàn hệ thống, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước và cải thiện đời sống dân sinh.

Ngay từ khi mới vào vận hành, đường dây 500 kV Bắc Nam đã nhanh chóng phát huy hiệu quả. Những năm 1994 - 1997, đường dây đã truyền tải công suất và sản lượng điện lớn từ phía Bắc vào cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại miền Nam và miền Trung, chấm dứt tình trạng cắt điện triền miên trước đó, nâng cao đáng kể độ tin cậy của hệ thống và đảm bảo chất lượng điện áp. Từ năm 1998 đến nay, đường dây 500 kV đã thực sự đóng vai trò là xa lộ truyền tải điện từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, qua đó khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống, tạo lợi ích kinh tế lớn cho đất nước. Ngoài ra, với công nghệ cáp quang kết hợp dây chống sét lần đầu tiên được trang bị trên đường dây 500 kV, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác điều hành sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển, mở rộng hệ thống mạng viễn thông đất nước. Hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel, EVNTelecom... đang khai thác, sử dụng rất hiệu quả sợi quang trên đường truyền tải điện để thiết lập nền tảng truyền dẫn thông tin xuyên quốc gia, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật với tốc độ đường truyền lên đến 400 Mbps với hơn 60 triệu thuê bao cũng như triển khai nhiều dịch vụ viễn thông trên các tuyến thông tin quang của mình nhằm phục vụ an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. 

Tạo nguồn lực cho tương lai

Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 có tổng chiều là dài 1.462,5 km với 3.436 vị trí cột. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 5.488,39 tỷ đồng (không tính Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia). Sau hai năm thi công (từ tháng 4/1992 đến tháng 5/1994), công trình đã hoàn thành và được giao cho 4 công ty truyền tải quản lý vận hành.

- Công ty Truyền tải điện 1: Quản lý vận hành từ 001 đến 955, với 955 vị trí, dài 406 km, từ Lào Cai đến Hà Tĩnh và các trạm biến áp 500 kV Hoà Bình, Hà Tĩnh.

- Công ty Truyền tải điện 2: Quản lý vận hành từ vị trí 955 đến vị trí 2307, với 1352 vị trí,  dài 587 km và Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng.

- Công ty Truyền tải điện 3: Quản lý vận hành từ vị trí 2308 đến vị trí 3015, 708 vị trí , dài 314,5 km và Trạm biến áp 500 kV Pleiku.

- Công ty Truyền tải điện 4 Quản lý vận hành Từ vị trí 3015 đến vị trí 3436,421 vị trí.  dài 183 km và Trạm biến áp 500 kV Phú Lâm.

Theo ông Nguyễn Hà Đông - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), lợi ích lớn nhất của việc đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam chính là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Khi đường dây 500 kV được đưa vào vận hành đã giải quyết ngay nhu cầu thiếu điện của miền Nam lúc bấy giờ, tiếp sau đó là hình thành trào lưu điện đưa vào, đưa ra giữa hai miền Nam - Bắc. Hơn nữa, qua 15 năm vận hành, phải đối mặt với bao biến cố, đặc biệt là thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng đường dây 500 kV vẫn trụ vững một cách an toàn. Điều đó không chỉ thể hiện độ “dẻo dai”, “sức sống” bền bỉ của hệ thống truyền tải điện quốc gia mà còn minh chứng cho trình độ, trí tuệ và những nỗ lực của ngành Điện trong suốt quá trình từ lúc thiết kế, xây dựng, cho đến khi quản lý vận hành tuyến đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam.

Sau 15 năm quản lý vận hành hệ thống điện hợp nhất, các kỹ sư, công nhân của NPT đã trưởng thành nhanh chóng, vươn lên làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới hiện đại cả về thiết kế, xây dựng vận hành và sửa chữa toàn bộ hệ thống. Ông Nguyễn Hà Đông cho rằng, đây là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị và tập thể CBCNV trong Tổng công ty, họ không chỉ vượt lên những khắc nghiệt của cuộc sống, điều kiện làm việc, mà còn vượt lên chính mình, cố gắng học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt công nghệ mới ứng dụng vào thực tế sản xuất, từng bước nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn… Bên cạnh đó, NPT đã triển khai sử dụng thiết bị Corocam ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ; dùng sứ composit thay cho sứ cách điện thủy tinh lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực bị nhiễm bẩn; ứng dụng công nghệ cột dự phòng xử lý sự cố khẩn cấp (trụ Kema); thực hiện sửa chữa cáp quang bằng máy bay trực thăng; ứng dụng thành công công nghệ sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện… Trước đây khi thi công đường dây 500kV Bắc Nam ( mạch 1), mọi việc từ thiết kế, tư vấn, giám sát xây dựng, thí nghiệm, nhập thiết bị cột, dây dẫn, dây chống sét… phải thuê chuyên gia nước ngoài thì đến nay, khi triển khai thi công các các đường dây 500kV khác thì chúng ta đã làm chủ công nghệ, tự thiết kế, tư vấn, giám sát xây dựng, thí nghiệm.  Đến nay nhiều tuyến đường dây cấp điện áp 500 kV mới đã được đưa vào vận hành mà không cần đến sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài như: Đường dây 500 kV Pleiku-Yaly; Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm; Pleiku-Phú Lâm mạch 2;  Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh- Nho Quan - Thường Tín... Không chỉ vậy, sau khi có đường dây 500 kV thì ngành cơ khí chế tạo của đất nước đã không ngừng phát triển. Không chỉ vậy, từ kinh nghiệm của đường dây 500kV Bác Nam đã giúp ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển. Nếu như ở đường dây mạch 1, các thiết bị như cột, dây dẫn, dây chống sét và các thiết bị khác đều phải nhập từ nước ngoài, thì khi thi công các đường dây 500kV khác đều do trong nước sản xuất,  chế tạo.

15 năm vận hành đường dây 500 kV mạch 1 đã chứng minh tính đúng đắn, tầm chiến lược của công trình, mang lại hiệu quả trong việc điều hòa hệ thống, tham gia truyền tải điện năng giữa các vùng miền của đất nước, phát huy lợi thế từng khu vực theo từng thời điểm. Qua đó cũng khẳng định sự phát triển vượt bậc của giai cấp công nhân lao động Việt Nam nói chung và ngành Điện nói riêng đã nỗ lực thực hiện xây dựng, quản lý vận hành hệ thống lưới điện cao áp quốc gia một cách an toàn, làm chủ khoa học công nghệ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Đây cũng tiền đề quan trọng để NPT tiếp tục khắc phục khó khăn, tập trung mọi nỗ lực đảm bảo nguồn vốn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình 500 kV nhằm hoàn thiện hệ thống truyền tải cao áp trên toàn quốc theo Quy hoạch điện VI, như: Đường dây Nhà Bè - Ô Môn; Ô Môn - Phú Lâm; Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định; Quảng Ninh - Thường Tín; Quảng Ninh - Sóc Sơn; Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Hiệp Hòa; các trạm biến áp 500 kV… Đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác liên kết với các nước trong khu vực, sớm kết nối lưới điện nước ta với hệ thống điện của các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Chia sẻ: