Khi kỹ sư PECC2 là… con gái: “Tôi bị thu hút bởi những công trình vĩ đại!”

“Điều con trai làm được, con gái cũng làm được”

PV: Nhiều người quan niệm rằng kỹ thuật điện là lĩnh vực nặng nhọc và không phù hợp với phụ nữ, tại sao chị lựa chọn con đường này?

Chị Trần Yến Ngọc, Kỹ sư Văn phòng: Tôi học khá các môn khoa học tự nhiên hơn, đặc biệt rất hứng thú với các con số. Hơn nữa, bố tôi là phi công, ông hay mày mò sửa chữa các thiết bị điện trong nhà, tôi hay lân la bên ông nên cũng thích khám phá cái gì đấy, nghịch ngợm lắm, chứ không hề khô khan. Mẹ tôi cũng là kỹ sư cơ khí thủy lợi, bà thường mang bản vẽ thiết kế về nhà làm việc, tôi tò mò nhìn thấy và thích thú với những hình dáng ngộ nghĩnh trên đấy. Khi được mẹ đưa đi tham quan Trị An trong một chuyến công tác, tôi đã thực sự bị thu hút bởi hình ảnh những công trình vĩ đại. Thế là tôi mạnh dạn nộp đơn thi vào trường Đại học Thủy lợi, khoa thiết kế công trình, mặc dù trước đó đã tốt nghiệp ngành kinh doanh xuất nhập khẩu.

Chị Phạm Thị Thanh Trang, Kỹ sư phòng Xây dựng, Trung tâm Tư vấn Thủy điện và Năng lượng tái tạo: Mọi người trong gia đình tôi đều làm trong ngành Điện và Thủy điện. Do đó, tôi chọn học ngành này để tiếp nối truyền thống gia đình.

Chị Trần Thị Thu Thảo, Kỹ sư phòng Nghiên cứu Hệ thống Điện, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển: Tôi nghĩ điều gì mà con trai làm được thì con gái cũng có thể làm được, tôi muốn thử sức mình và cho mình cơ hội trải nghiệm. Và đúng là theo học ngành này, có những môn càng học tôi càng thấy thú vị. Tôi được rèn luyện kỹ năng tư duy logic, tính kiên nhẫn, sự bền bỉ, cũng như tinh thần làm việc tập thể. Đây là các phẩm chất rất cần ở một người kỹ sư.

Chị Vũ Việt Phương, Kỹ sư phòng Trạm biến áp, Trung tâm Tư vấn Lưới điện: Nhiều người cho rằng kỹ thuật là lĩnh vực khô khan và không phù hợp với nữ giới, nhưng tôi lại nghĩ, công việc của kỹ sư chủ yếu sử dụng trí óc, nghiên cứu, sức mạnh cơ bắp chỉ là thứ yếu. Do vậy, nữ giới chọn ngành này cũng là sáng suốt, đó là sự kết hợp giữa nhu và cương một cách khéo léo…

“Khi biết tôi là một kỹ sư điện, người ta bảo: “Bớt chém gió đi cưng!”

PV: Những người xung quanh thường có phản ứng gì khi biết các chị là kỹ sư, đặc biệt lại trong ngành điện?

Chị Trần Yến Ngọc, Kỹ sư Văn phòng: Có nhiều trạng thái khác nhau. Người thì: “Ồ, thú vị thế”, người thì lè lưỡi: “Có làm được không đấy?”, cũng có người thì hồn nhiên nói: “Thôi bớt chém gió đi cưng”.

Chị Trần Yến Ngọc

Chị Trần Thị Phương Thảo, Kỹ sư phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện và Điện hạt nhân: Khi nghe tôi nói tôi làm kỹ sư điện thì nhiều người cũng có chút ngạc nhiên. Nhiều người khuyên con gái nên học kinh tế, ngoại thương cho nó nhẹ nhàng, sau này đi làm cũng nhàn nhã hơn. Nhưng tôi lại quan niệm không có việc gì là nhàn cả, việc gì cũng có những cái khó riêng, cho dù làm kinh tế hay kỹ thuật, không có thành công nào dễ dàng.

Chị Trần Thị Thu Thảo, Kỹ sư phòng Nghiên cứu Hệ thống Điện, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển: Mọi người không nghĩ tôi lại đi ngành điện. Bởi thường trong mắt mọi người, con gái ngành điện rất khô khan. Suy nghĩ này cũng được thể hiện qua câu trêu đùa dí dỏm: “Trai Bách khoa như chim anh vũ, gái Bách khoa như củ sắn lùi”. “Khô khan” ở đây ý nói về cách ăn mặc hoặc phong cách sống, ví dụ như phụ nữ ngành kinh tế thường chú ý tới hình thức bề ngoài như quần áo, tóc tai, hẹn hò, còn phụ nữ kỹ thuật lại thường giản dị hơn, ít giao du. Tôi lại muốn chứng minh cho mọi người thấy quan niệm như vậy là chưa đúng. Thực tế bây giờ có rất nhiều người phụ nữ học kỹ thuật không hề khô khan, cứng nhắc. Số lượng nữ kỹ sư giờ đã nhiều hơn trước và họ cũng đều tinh tế trong cuộc sống theo cách riêng của mình.

Chị Trần Thị Thu Thảo

PV: Làm việc trong môi trường có số lượng nam giới áp đảo, đặc biệt tại PECC2, cảm giác như thế nào chị nhỉ?

Chị Phạm Thị Thanh Trang, Kỹ sư phòng xây dựng, Trung tâm Tư vấn Thủy điện và Năng lượng tái tạo: Tôi được các đồng nghiệp nam đối xử như những người khác, không có sự phân biệt gì tiêu cực. Tuy nhiên vì là nữ nên được ưu tiên không phải đi công trường để giám sát tác giả.

Chị Trần Thị Phương Thảo, Kỹ sư phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện và Điện hạt nhân: Tôi thấy có nhiều thuận lợi chứ, ví dụ như vì ít nữ nên được các anh em quan tâm hơn, các ngày 8/3, 20/10 nhận được nhiều lời chúc, quà tặng.

Chị Trần Thị Phương Thảo

Chị Vũ Việt Phương, Kỹ sư phòng Trạm biến áp, Trung tâm Tư vấn Lưới điện: Đến thời điểm bây giờ, tôi vẫn không cảm thấy bất tiện khi làm việc trong môi trường nhiều nam giới. Chúng tôi nhận được sự quan tâm, ưu ái và sự giúp đỡ nhiều hơn từ các anh. Thực tế, khi có một “bóng hồng” trong môi trường toàn nam giới thì không khí làm việc còn có vẻ thoải mái hơn, những căng thẳng dễ được xoa dịu hơn.

Chúng tôi tự hào là một phần của gia đình PECC2!

PV: Điều gì khiến chị tự hào khi trở thành một nữ kỹ sư của PECC2?

Chị Trần Thị Thu Thảo, Kỹ sư phòng Nghiên cứu Hệ thống Điện, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển: Tôi làm ở công ty cũng đã lâu và điều khiến tôi tự hào khi công tác ở PECC2 chính là mọi người sống rất tình cảm, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, thông cảm và chia sẻ những khó khăn cho nhau. Tôi luôn cảm thấy thoải mái khi đi làm và muốn gắn bó lâu dài với công ty. Theo tôi, nhu cầu của con người là vô hạn, đôi lúc người ta vẫn có sự so sánh giữa môi trường làm việc và đồng tiền. Tôi thấy môi trường làm việc rất quan trọng. Khi ở nhà đã phải chăm sóc con cái, tém vén nhà cửa, đủ khiến cho tinh thần mình mệt mỏi, nếu khi đi làm mình lại gặp phải một môi trường tranh đua, ganh ghét thì sẽ rất dễ bị stress và không muốn gắn bó lâu dài với nơi đó. Tìm được niềm vui trong công việc hằng ngày tại PECC2 khiến tôi muốn toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự phát triển của công ty.

Chị Vũ Việt Phương, Kỹ sư phòng Trạm biến áp, Trung tâm Tư vấn Lưới điện: Đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống điện như tôi thì được học tập và làm việc tại PECC2 là một niềm tự hào. Môi trường làm việc hoà đồng, cởi mở tại PECC2 giúp tôi tiếp thu thêm rất nhiều mảng kiến thức mà khi còn ngồi tại ghế nhà trường chưa có cơ hội biết đến. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp, tôi đã nhanh chóng hoà nhập và làm quen với công việc. Cảm ơn PECC2 cho tôi một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và thân thiện.

Chị Trần Yến Ngọc, Kỹ sư Văn phòng: Điều khiến tôi tự hào khi trở thành một kỹ sư của PECC2 là được làm việc cùng nhiều đồng nghiệp kỹ sư giỏi, thậm chí rất giỏi, được tham gia thiết kế một số hạng mục của các công trình lớn như Thủy điện Srokphumiêng, Đăk Mi 4a, Cần Đơn, Buôn Kuôp. Tôi hạnh phúc được nhìn lại những hạng mục công trình mình thiết kế được xây dựng an toàn, vững vàng và xinh đẹp, với những đập chính tràn xả lũ, tường cánh thượng hạ lưu, vai đập, tường chắn sóng cong đẹp và chắc chắn… Có lần đi công tác cùng Chủ nhiệm dự án Buôn Kuôp là chú Đỗ Quốc Toàn, Trưởng phòng Thủy công 3, ngồi trên xe đi đến gần công trình, chú đã nói lớn: “Kìa, từ xa đã nhìn thấy cái vai đập Ngọc thiết kế, Ngọc xem họ đã làm đúng ý cháu chưa?”. Lúc đó tôi thật sự xúc động, cảm giác tự hào dâng trào trong lòng, tôi thấy trong mình tràn đầy sức trẻ, đó là động lực thôi thúc mãi để tôi nguyện đóng góp những gì ưu tú nhất cho PECC2.

 

Thực hiện: Yến Nhi , Diệu Thảo, Khánh Linh

Chia sẻ: