Nhật ký Người PECC2: Câu chuyện Myanmar, những ngày đầu kỳ lạ

Năm 2017, PECC2 chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Yangon, Myanmar. Đây là bước đầu tiên của PECC2 trong kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài, tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh quốc tế. Bài viết dưới đây là những tâm sự rất chân thành, xúc động của anh Trần Lê Hoàng Phương một trong những Người PECC2 đầu tiên có mặt trong dự án quan trọng này và gắn bó với Myanmar trong suốt 3 năm.

Cảm giác lần đầu làm việc tại một thị trường nước ngoài, lại là một nước được đánh giá là kém phát triển sau nhiều biến cố chính trị, chúng tôi có một chút lo lắng. Tuy nhiên mọi thứ lại đâu vào đấy khi nghĩ đến những định hướng công việc xa hơn và cơ hội phát triển bản thân tốt hơn khi được tiếp xúc với một môi trường làm việc hoàn toàn mới mẻ.

Công việc của chúng tôi hàng ngày là đọc các tài liệu liên quan về ngành điện, truy cập tất cả các hệ thống báo chí truyền thông của Myanmar để tìm kiếm thông tin các dự án, liệt kê thông tin các công ty được đề cập trong các trang báo và tìm kiếm địa chỉ liên hệ, đặt lịch hẹn với các đối tác, chuẩn bị các bài thuyết trình giới thiệu năng lực công ty. Tin tôi đi, thật sự là không dễ dàng chút nào, khi mà đến cả tên gọi của các vùng, bang Myanmar cũng không dễ đọc với những người đã làm lâu năm tại đất nước này.


Nguồn: Internet

Trong vài lần đầu gặp khách hàng, chúng tôi còn rất ngượng ngùng khi giao tiếp vì mớ kiến thức thị trường ít ỏi. Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi đều cập nhật được rất nhiều thông tin và cũng bắt đầu tự tin giao tiếp hơn. Chúng tôi bắt đầu có những mối quan hệ đối tác, các công ty địa phương biết đến PECC2 nhiều hơn, các Sở Ban Ngành cũng ghi nhận tên PECC2, một đơn vị Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án điện của quốc gia. Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ từ bạn bè trong cộng đồng người Việt và bắt đầu chia sẻ các thông tin dự án về cho các đơn vị trong công ty để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp tham gia, dù ban đầu chính chúng tôi còn gặp phải nhiều hạn chế chủ quan về kinh nghiệm.

Tôi có thể là người may mắn được va chạm thực tiễn nhiều nhất tại thị trường Myanmar khi được tham gia hai chuyến khảo sát thực tế một nhà máy thủy điện bị sự cố cháy và dự án điện khí hóa nông thôn do Ngân hàng thế giới tài trợ. Cả hai chuyến khảo sát này đã cho tôi thêm những góc nhìn để đánh giá về tiềm năng và các vấn đề phát triển ngành điện của Myanmar.

Nhắc đến hai chuyến đi khảo sát thực tế, có thể nói chuyến đi khảo sát dự án điện khí hóa nông thôn là chuyến đi mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đây là 1 dự án được tài trợ bởi World Bank được gọi tên “Dự án điện khí hóa quốc gia – NEP”, dự án có tổng vốn đầu tư là 400 triệu USD, được thực hiện theo mô hình minigrid không kết nối lưới với các hệ thống điện mặt trời dưới 1MW, sẽ cấp điện sinh hoạt cơ bản cho các khu làng nông thôn ở các tỉnh. Quả thật, tỷ lệ phủ điện quốc gia của Myanmar rất thấp, mặc dù những năm gần đây nhu cầu tăng trưởng điện  hàng năm gần 19%, tuy nhiên các kế hoạch phát triển nguồn điện đã thay đổi rất nhiều. Đây cũng là những thách thức cho Chính Phủ Myanmar trong giai đoạn 2020-2025.

Nguồn: Bộ Năng lượng và Điện lực Myanmar

Chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát trong 6 ngày, bắt đầu từ tỉnh Bago, đến Mandalay, qua Sagaing, xuống vùng Magwei, trở lại thủ đô Nay Pyi Taw và cuối cùng về lại Yangon.

Để đến được các vị trí các ngôi làng chúng tôi phải di chuyển bằng nhiều phương tiện và thời gian khảo sát cũng rất gấp rút. Có những địa điểm bị ngập lụt, mùa khô thì có đường đi vào làng, mùa lũ thì phải đi bằng xuồng, có nơi phải băng qua các đường mòn trong rừng bằng xe thồ, lại có chỗ nằm ở các khu bãi bồi, mùa khô chăn nuôi trồng trọt, mùa lũ thì người dân phải di cư sang các khu vực khác để kiếm sống do cả khu vực bị ngập lụt.

 

Thời gian di chuyển cũng rất hạn hẹp, có những nơi sau khi kết thúc khảo sát là đã xế chiều, chúng tôi lại phải di chuyển ngay trong đêm sang các tỉnh khác để kịp sáng hôm sau di chuyển vào làng kế tiếp tiếp tục công việc. Hầu như suốt chuyến khảo sát chúng tôi chỉ ăn đúng hai bữa, bữa sáng tại khách sạn và buổi tối khi đã ra khỏi làng.

Công việc là thế, khó khăn là thế nhưng khi chứng kiến cảnh người dân địa phương ở mỗi ngôi làng, nhấtcác em nhỏ, sống và học tập trong cảnh thiếu ánh sáng, sợ thú dữ mỗi khi đêm về... trong lòng lại càng thêm động lực.

Mắt tôi nhiều lần cay xè xúc động khi nghe thư ký phiên dịch lại các câu hỏi của người dân: Chúng tôi đã sống gần 60 năm không có điện”, Chúng tôi cũng muốn có điện để cho lũ trẻ học chữ, tối có thể xua lũ thú rừng, chúng tôi có thể góp đất, đất của tôi không đủ, thì gia đình người thân tôi sẽ góp cùng”,Chúng tôi có thể giúp bằng sức người, gỗ, trâu bò, bất cứ thứ gì các anh cần, xin hãy cứ nói”…

Tôi không phải là một kỹ sư ngành điện, và may mắn được sinh ra trong một đất nước có đầy đủ các điều kiện về điện để phục vụ cho sinh hoạt, học tập và làm việc, nhưng khi tiếp xúc với hoàn cảnh người dân cơ cực nơi đây, trong tôi như có một sự thôi thúc muốn đóng góp một chút gì đó cho đất nước này, chí ít là cho những ngôi làng mà tôi đã đến. Chúng tôi lúc đó, ngồi ở giữa sảnh ngôi đình, giữa tất cả dân làng, già trẻ lớn bé, tất cả nhìn chúng tôi như thể họ đang đặt niềm tin vào chúng tôi, và chúng tôi tự nhủ sẽ cần làm điều gì đó để thắp sáng niềm tin ấy. “Thắp sáng niềm tin” như chính câu slogan của Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Thực hiện: Trần Lê Hoàng Phương

Kỳ tới: Thị trường điện Myanmar –  có thực sự tiềm năng ?

Chia sẻ: