Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Thần tốc để về đích đúng hẹn

Chiều 23/12/2013, tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã diễn ra Lễ ký Hợp đồng EPC “Thiết kế, mua sắm, xây lắp Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (tỉnh Bình Thuận)”, được ký kết giữa chủ đầu tư là Tổng công ty Phát điện 3 (EVN) và Tổ hợp nhà thầu gồm: Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Đây là hợp đồng tổng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế EPC.
 
Thần tốc và trách nhiệm…
 
 
 
Đây là hợp đồng tổng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế EPC.
 
Tại lễ ký Hợp đồng EPC, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, một trong những thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC khẳng định: “Đây là nỗ lực rất lớn của các bên liên quan trong việc thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Việc ký kết Hợp đồng EPC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong lĩnh vực tổng thầu, khuyến khích nhà thầu trong nước liên doanh với các nhà thầu quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động theo đúng tinh thần tại Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ”.
 
“Dự án Vĩnh Tân 4 thuộc dự án cấp bách, được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do vậy, chúng tôi đã làm việc với tinh thần thần tốc và trách nhiệm cao. Các bên liên quan đã vào cuộc không kể ngày đêm để giải quyết công việc cho kịp tiến độ, đảm bảo thực hiện đúng Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Quý chia sẻ.
 
Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam
 
Là thành viên trong Tổ hợp nhà thầu Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, ông Huntak Kim, CEO của EPC Business Group (thuộc Doosan Heavy Industries & Construction Co., Ltd) nhận định: Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, vì vậy, nhu cầu về điện năng của Việt Nam được dự báo sẽ thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực.
 
Nhận thấy triển vọng tăng trưởng của thị trường điện Việt Nam, Tập đoàn Doosan đã quyết định đầu tư thành lập 2 nhà máy sản xuất, chế tạo các thiết bị điện tại Quảng Ngãi và Hải Phòng. “Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp sản phẩm được chế tạo từ hai nhà máy này không chỉ cho thị trường Việt Nam, mà còn xuất khẩu sang thị trường thế giới”, ông Huntak Kim nói và cho biết, Doosan đánh giá cao năng lực thực hiện Dự án, cũng như tính chuyên nghiệp trong công việc của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Sự tin tưởng này đã trở thành nền tảng liên kết các thành viên trong liên danh thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
 
Đánh giá về hợp đồng tổng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện thiết kế EPC, ông Nguyễn Chơn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 nhấn mạnh: Hợp đồng EPC này là hợp đồng đầu tiên mà tư vấn trong nước tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC. Mô hình này sẽ mở ra nhiều triển vọng mới nâng cao năng lực tư vấn trong nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động trong nước, tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển …
 
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có vốn đầu tư khoảng 1,36 tỷ USD, trong đó 85% nguồn vốn vay thương mại của Hàn Quốc và Nhật Bản và 15% vốn đối ứng của chủ đầu tư.
 
Dự án dự kiến khởi công xây dựng vào quý I/2014 và đưa vào sử dụng Tổ máy số 1 từ cuối năm 2017, thực hiện đúng Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Với công suất 2x600MW, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các tỉnh phía Nam, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Theo: Baodautu.vn 
 
Chia sẻ: