Quảng Bình đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án Nhiệt điện Quảng Trạch

Theo ông Hoàng Đăng Quang, Bộ Công Thương cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong công tác định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giải pháp, tìm kiếm nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Quảng Bình đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất và truyền tải điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 theo đúng tiến độ của Quy hoạch điện VII đã phê duyệt.

Mặt khác, hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2014-2020 bằng nguồn vốn ODA và Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ để triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

Tiếp theo đề xuất của Quảng Bình, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết, với dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch hiện vẫn còn trên 300 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đề nghị địa phương phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xem xét phương án điều chỉnh quy hoạch địa điểm thực hiện dự án theo hướng phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng đất của dự án và đảm bảo an sinh, xã hội.

Về vấn đề môi trường của dự án, ông Lực khẳng định, với công nghệ tiên tiên và quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, dự án sẽ giảm tối đa ô nhiễm và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường theo quy định.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, cùng với việc hoàn thành hồ sơ pháp lý đề án xây dựng, phương án hạ tầng thì báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Đến nay, EVN đã hoàn thành hồ sơ pháp lý về phê duyệt FS, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục triển khai đầu tư.

Về công nghệ, EVN chia dự án thành 2 giai đoạn, sơ tuyển và đấu thầu. Theo đó, khi sơ tuyển đạt yêu cầu mới tiến hành các bước tiếp theo để đấu thầu nhằm tìm kiếm công nghệ tiên tiến nhất cho nhà máy. Đặc biệt là hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi, vv… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến của châu Âu. Còn với nguồn tro xỉ, vì nguồn than đầu vào của nhiệt điện Quảng Trạch sử dụng than nhập khẩu nên lượng tro xỉ rất ít và có chất lượng phù hợp để xử dụng làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp.

Từ tổng hợp kiến nghị của địa phương, các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, từ bài học sự cố môi trường biển năm 2016, do đó, cả Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải hết sức quan tâm đến công nghệ để đảm bảo môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến môi trường và đời sống của nhân dân.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường dự án Nhiệt điện Quảng Trạch và các khu vực phụ cận, khu vực tái định cư, gặp gỡ người dân, Bộ trưởng yêu cầu địa phương và chủ đầu tư cần quan tâm hơn nữa đến sinh kế và các điều kiện hạ tầng trong khu tái định cư nhà máy với quan điểm phải coi lợi ích của người dân là yếu tố then chốt trong phát triển lĩnh vực điện năng nói riêng, công nghiệp, thương mại nói chung.

'Ngoài trách nhiệm của EVN với vai trò là chủ đầu tư cần triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo về công nghệ, thiết bị, chất lượng xây dựng, an toàn môi trường, Bộ Công Thương có trách nhiệm và có đủ thẩm quyền để kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm đối các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai xây dựng, vận hành dự án Nhiệt điện Quảng Trạch' - Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Nguồn: nangluongvietnam.vn

 

Chia sẻ: