CẦN HIỂU VÀ VẬN DỤNG ĐÚNG CÁC THUẬT NGỮ VẬN HÀNH NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

1. Công suất tổ máy tham chiếu - Reference Unit Power [MWₑ]

Là công suất điện tối đa có thể được duy trì liên tục trong khoảng thời gian vận hành kéo dài ở điều kiện môi trường tham chiếu. 
Theo quy định, giá trị này phải được giữ không đổi đối với một tổ máy nhất định, trừ khi có sự biến cải lớn hoặc khi có sự cấp phép mới và cấp lãnh đạo quyết định sửa đổi giá trị ban đầu.

Công suất tham chiếu RUP có thể là công suất thô hoặc công suất tinh:

  • RUP thô (Pg, MWₑ): được đo tại đầu cực của tất cả các máy phát điện trong nhà máy.
  • RUP tinh (Pn, MWₑ): thể hiện công suất tối đa có thể được cung cấp, được đo tại đầu cực máy biến áp nhà máy, tức là sau khi đã trừ đi công suất tiêu thụ bởi các thiết bị tự dùng của nhà máy và tổn thất ở các máy biến áp trong nhà máy.

2. Công suất tinh thiết kế - Design net capacity [MWₑ]

Công suất tinh tham chiếu như được quy định trong hồ sơ thiết kế tổ máy ban đầu.

3. Giai đoạn tham chiếu – Reference period, T [giờ]

- Giai đoạn tham chiếu đối với các tổ máy vận hành thử nghiệm: là số giờ đồng hồ tính từ thời điểm bắt đầu giai đoạn hoặc thời điểm sản xuất điện lần đầu (tùy theo thời điểm nào đến sau) cho đến cuối giai đoạn.

- Giai đoạn tham chiếu đối với tổ máy đang vận hành thương mại: là số giờ đồng hồ tính từ thời điểm bắt đầu giai đoạn hoặc thời điểm bắt đầu vận hành thương mại (tùy theo thời điểm nào đến sau) cho đến cuối giai đoạn hoặc đến khi ngừng tổ máy hoàn toàn (tùy theo thời điểm nào đến trước).

4. Giờ vận hành - On-line hours, t [giờ]

Tổng số giờ trong giai đoạn tham chiếu mà tổ máy vận hành với các máy cắt được đóng vào thanh cái của nhà máy.

5. Sản lượng điện tham chiếu - Reference energy generation, REG [MWₑh]

Sản lượng điện tinh được tổ máy cung cấp cho lưới điện khi tổ máy hoạt động liên tục ở công suất tham chiếu trong toàn bộ giai đoạn tham chiếu.

6. Điện năng sản xuất được - Energy generated (net), EG [GWₑh]

Sản lượng điện tinh được sản xuất trong giai đoạn tham chiếu, đo tại các đầu cực của tổ máy, tức là sau khi trừ đi điện năng tiêu thụ bởi các thiết bị tự dùng và tổn thất ở các máy biến áp đồng bộ với tổ máy. Nếu giá trị này nhỏ hơn không, thì lấy bằng không.

7. Hệ số phụ tải - Load factor, LF [%]

EG = điện năng sản xuất được (tinh) [MW(e)h] 

REG = điện năng tham chiếu [MW(e)h]

Hệ số phụ tải là tỷ lệ giữa điện năng mà tổ máy sản xuất trong một giai đoạn nhất định với điện năng có thể sản xuất được ở công suất tham chiếu trong cùng giai đoạn đó.

8. Hệ số vận hành - Operation factor, OF [%]

t = số giờ vận hành [h] 

T = số giờ trong giai đoạn tham chiếu [h]

Hệ số vận hành là tỷ lệ giữa số giờ vận hành thực tế của tổ máy với tổng số giờ của giai đoạn tham chiếu được biểu thị theo tỷ lệ phần trăm. Đây là số đo độ khả dụng về mặt thời gian của tổ máy trên lưới và không phụ thuộc vào mức công suất vận hành.

9. Công suất khả dụng - Available capacity, P [MWₑ]

Công suất tinh tối đa ở mỗi thời điểm mà tổ máy hoặc nhà máy có thể hoặc được phép vận hành ở mức công suất liên tục theo điều kiện hiện hành với giả định không có hạn chế về truyền tải.

10. Tổn thất năng lượng - Energy loss, EL [MWₑh]

Năng lượng đáng ra được sản xuất nhưng không sản xuất được trong giai đoạn tham chiếu do công suất không khả dụng. Tổn thất này được chia thành 3 loại:

  • PEL: tổn thất năng lượng do bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch (planned energy loss);
  • UEL: tổn thất năng lượng do bảo dưỡng, sửa chữa ngoài kế hoạch (unplanned energy loss), bao gồm ngừng máy, giảm tải ngoài kế hoạch hoặc kéo dài thời gian ngừng máy;
  • XEL: tổn thất năng lượng do các nguyên nhân bên ngoài nhà máy.

11. Mức độ không khả dụng - Unavailability

Trạng thái khi nhà máy không thể vận hành ở công suất tối đa (công suất tham chiếu). Tình trạng này (có thể nằm trong hoặc ngoài tầm kiểm soát của ban quản lý nhà máy), chỉ nên phản ánh sự thiếu khả dụng của chính bản thân nhà máy, chứ không kể đến nhu cầu năng lượng, tình trạng lưới truyền tải hay tình hình chính trị trong nước. 

Mức độ không khả dụng được phân loại mức độ không khả dụng theo kế hoạch nếu nó được dự kiến trước ít nhất bốn tuần, thường là vào thời điểm lên kế hoạch đại tu hàng năm, và nếu thời điểm bắt đầu của giai đoạn không khả dụng có thể được kiểm soát và trì hoãn bởi cấp quản lý.

Mức độ không khả dụng được phân loại là ngoài kế hoạch nếu không được lên lịch trước ít nhất bốn tuần. Vận hành nhà máy điện ở mức công suất thấp hơn công suất tối đa do nhu cầu thấp của lưới điện khi mà nhà máy vẫn có khả năng vận hành ở công suất tối đa thì không được tính vào mức độ không khả dụng, dù là theo kế hoạch hay ngoài kế hoạch.

12. Hệ số năng lượng khả dụng - Energy availability factor, EAF [%]

EAF=REG-PEL-UEL-XELREG×100

Hệ số năng lượng khả dụng là tỷ lệ giữa năng lượng mà công suất khả dụng có thể sản xuất ra trong một giai đoạn nhất định, với năng lượng mà công suất tổ máy tham chiếu có thể sản xuất ra trong cùng giai đoạn đó.

13. Hệ số năng lượng không khả dụng - Energy unavailability factor, EUF [%]

Hệ số năng lượng không khả dụng là tỷ lệ giữa các tổn thất năng lượng (EL) mà đáng ra có thể được sản xuất nhưng không sản xuất được trong một giai đoạn nhất định do công suất không khả dụng, với năng lượng mà công suất tổ máy tham chiếu có thể sản xuất trong cùng giai đoạn đó.

Hệ số năng lượng không khả dụng (EUF) trong một giai đoạn nhất định có thể được chia thành: 

  • PUF = hệ số không khả dụng theo kế hoạch;
  • UUF = hệ số không khả dụng ngoài kế hoạch do các nguyên nhân bên trong nhà máy;
  • XUF = hệ số không khả dụng ngoài kế hoạch do các nguyên nhân bên ngoài nhà máy.

Hệ số không khả dụng có thể được biểu thị là: EUF=100–EAF.

14. Hệ số khả năng tổ máy - Unit capability factor, UCF [%]

Hệ số khả năng của tổ máy được định nghĩa là tỷ lệ giữa điện năng mà tổ máy có khả năng sản xuất ra trong một giai đoạn nhất định (chỉ xem xét các hạn chế thuộc phạm vi kiểm soát của cấp quản lý nhà máy), với sản lượng điện năng tham chiếu trong cùng giai đoạn đó, được biểu thị theo tỷ lệ phần trăm. Cả hai đại lượng sản lượng điện năng này đều được xác định tương ứng với các điều kiện môi trường.

15. Hệ số mất khả năng ngoài kế hoạch - Unplanned capability loss factor, UCL [%]

Hệ số mất khả năng ngoài kế hoạch được định nghĩa là tỷ lệ giữa tổn thất năng lượng ngoài kế hoạch trong một giai đoạn nhất định, với sản lượng điện năng tham chiếu, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm. Tổn thất năng lượng ngoài kế hoạch là năng lượng không được sản xuất trong kỳ do ngừng máy ngoài kế hoạch, kéo dài thời gian ngừng máy hoặc xuống tải ngoài kế hoạch vì các nguyên nhân thuộc phạm vi kiểm soát của cấp quản lý nhà máy. Các nguyên nhân gây tổn thất năng lượng được coi là ngoài kế hoạch nếu chúng không được lên lịch trước ít nhất bốn tuần.

16. Khởi công xây dựng - Construction start

Ngày tiến hành đổ bê tông chính đầu tiên, thường mấy mốc đổ bê tông lát móng tòa nhà lò phản ứng.

17. Ngày hoạt động đầu tiên của lò phản ứng - First criticality

Ngày khi lò phản ứng được đưa vào hoạt động lần đầu tiên.

18. Kết nối lưới điện - Grid connection

Ngày nhà máy được kết nối lần đầu tiên vào lưới điện để cung cấp điện.

19. Vận hành thương mại - Commercial operation

Ngày khi nhà máy được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và được chính thức tuyên bố đưa vào vận hành thương mại.

20. Ngừng hoạt động vĩnh viễn - Permanent shutdown

Ngày khi nhà máy được chủ đầu tư chính thức tuyên bố ngừng hoạt động và dừng vận hành vĩnh viễn.

21. Ngừng hoạt động dài hạn (Gián đoạn vận hành) - Long term shutdown (Suspended operation)

Một tổ máy được coi là ở trạng thái ngừng hoạt động dài hạn nếu nó đã ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian kéo dài (thường là vài năm) mà ban đầu chưa có lịch trình phục hồi nhưng vẫn có ý định khởi động lại tổ máy vào một thời điểm sau đó.

22. Tình trạng cắt giảm công suất và xuống máy - Outages

Tình trạng này bao gồm cả việc cắt giảm công suất và dừng vận hành tổ máy. Tình trạng cắt giảm công suất/xuống máy được coi là đáng kể nếu tổn thất sản lượng điện tương đương với ít nhất mười giờ vận hành liên tục ở công suất tổ máy tham chiếu hoặc nếu nó bị gây ra bởi một sự cố dừng lò phản ứng khẩn cấp (reactor scram) ngoài kế hoạch (ngay cả khi tổ máy ngừng hoạt động dưới mười giờ).

23. Giai đoạn cắt giảm công suất/xuống máy - Outage duration [giờ]

Tổng số giờ đồng hồ của tình trạng cắt giảm công suất/xuống máy, được đo từ thời điểm bắt đầu giai đoạn tham chiếu hoặc thời điểm bắt đầu tình trạng cắt giảm công suất/xuống máy (tùy theo thời điểm nào đến sau) cho đến thời điểm kết thúc giai đoạn tham chiếu hoặc kết thúc tình trạng cắt giảm công suất/xuống máy (tùy theo thời điểm nào đến trước).

Thực hiện: Phạm Đức Trung – TR&D

Tài liệu tham khảo:

IAEA. Operating Experience with Nuclear Power Stations in Member States – 2024 Edition. 

Chia sẻ: