Một lời giải cho bài toán hạ tầng của các mega-city
Khi các mega-city (siêu đô thị) như TP.HCM liên tục được mở rộng, mật độ dân cư ngày càng cao, việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình công nghiệp, hay công trình hạ tầng trở nên đầy thách thức về cả chi phí và quy hoạch đô thị. Đối với các vùng lõi của đô thị, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các trạm biến áp thông thường (cách điện bằng không khí) không có tính khả thi. Vì vậy, để đảm bảo cấp điện cho trung tâm đô thị, trạm biến áp ngầm chính là lời giải, là phương án thay thế khả thi, mang lại hiệu quả cao.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trạm biến áp ngầm hiện nay hoàn toàn đáp ứng được chức năng như một trạm biến áp thông thường trên mặt đất, đồng bộ được với hệ thống điện hiện hữu đã được đầu tư xây dựng. Ưu điểm của trạm biến áp ngầm là giúp tiết kiệm được đất đai, tạo vẻ đẹp kiến trúc hiện đại cho một đô thị, tăng tính an toàn của công trình cung cấp điện đối với con người, thuận tiện cho việc xây dựng lưới điện ngầm. Trên thế giới, nhiều trạm biến áp ngầm đã được xây dựng và đưa vào vận hành ở các nước như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Tây Ba Nha, Mexico và Australia...
Tại Việt Nam, trạm biến áp 110kV Ba Son là trạm biến áp ngầm đầu tiên, được đặt ngầm dưới lòng đất ở khu đô thị Vinhomes Golden River thuộc phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM với toàn bộ các thiết bị phân phối 110kV & 22kV theo công nghệ GIS (Gas Insulation Swithgear) và các máy biến áp lực 110/22kV cách điện bằng khí SF6. Dự án do Tổng Công ty Điện lực TP.HCM làm chủ đầu tư và PECC2 là tư vấn thiết kế chính.
Vị trí TBA Ba Son nhìn từ Google earth
PECC2 chứng tỏ năng lực hàng đầu với vai trò “kiến trúc sư trưởng” Trạm biến áp 110kV Ba Son
Việc ngầm hóa trạm biến áp là một giải pháp mới đòi hỏi các kỹ sư thiết kế của PECC2 phải xem xét, đánh giá tổng thể và hài hòa các mặt kinh tế, kỹ thuật và công nghệ, trong điều kiện ở Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm về trạm biến áp ngầm. Bên cạnh đó, việc đánh giá đầy đủ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến an toàn và tin cậy vận hành công trình (điều kiện môi trường, giải pháp thông gió và điều hòa không khí, kết cấu công trình và các tác động của thiên tai, đặc biệt là triều cường, ngập lụt...) cũng được đội ngũ thiết kế đặt lên hàng đầu.
Mô hình bố trí thiết bị của Trạm biến áp ngầm (Nguồn Internet)
Công tác lựa chọn vị trí xây dựng trạm là thách thức rất lớn đối với đơn vị tư vấn thiết kế. Vị trí được chọn phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu như gần trung tâm phụ tải, dễ dàng đấu nối với các đường dây 110kV, 22kV ra vào trạm, thuận lợi cho vận chuyển thiết bị nặng, giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh và phù hợp với quy hoạch phát triển tập trung của đô thị và khu vực...
Mặc dù đối diện với những thách thức thực tế trên, các kỹ sư PECC2, với khả năng chuyên môn hàng đầu cùng năng lực học hỏi vượt trội, khẳng định sự tự tin sẽ thực hiện thành công công trình có ý nghĩa này, qua đó củng cố vị thế và uy tín của Công ty trên thị trường Việt Nam và khu vực.
Thực hiện: Bình Minh