Phóng viên PECC2 đã có dịp phỏng vấn từ xa với Ông Phạm Văn Phúc Tín, Chuyên gia địa chất, Trưởng Ban Điều hành khảo sát của Dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận, ông cũng là người có nhiều đóng góp cho công tác khảo sát của PECC2 từ những ngày đầu thành lập.
Ông Phạm Văn Phúc Tín kiểm tra công việc tại giàn khoan ĐG Tân Thuận
PV: Cuộc sống của anh em kỹ sư và công nhân PECC2 tại dự án Điện gió Tân Thuận trong giai đoạn “giãn cách xã hội” vì dịch Covid 19 có gì khác biệt so với bình thường không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Phúc Tín: Gành Hào, nơi ở và làm việc của anh em kỹ sư trong suốt quá trình khoan khảo sát cho dự án Điện gió Tân Thuận là một thị trấn nhỏ và không có nhiều dịch vụ, tiện ích xã hội. Với anh em khảo sát, khi đi đã “đánh” dự án, anh em xác định là phải ở lại công trình cho đến khi nhiệm vụ hoàn tất. Vì vậy, anh em dồn hết tâm trí và sức lực cho công việc, đối phó với sóng gió, nắng như thiêu đốt vào ca ngày và những cơn gió lạnh cắt da vào ban đêm.
Làm việc trên biển khác với làm việc trên đất liền. Khi không đủ sức khỏe thì rất dễ bị say sóng trong ca làm việc, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Một ca làm việc tại giàn khoan thông thường có 1 kỹ thuật viên và 4, 5 công nhân. Chỉ cần 1 người bị say sóng sẽ ảnh hưởng tiến độ công việc của ca làm việc. Vì vậy, anh em luôn phải ăn ngủ điều độ, đảm bảo sức khỏe để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất và sớm về bên gia đình.
Trưởng BĐH trao đổi công việc với phụ trách nhà thầu.
Cũng như mọi công dân, ban điều hành và các nhà thầu phụ đều phải chấp hành chỉ thị về giãn cách xã hội của Chính phủ. Một thuận lợi cho chúng tôi là toàn bộ công việc hàng ngày đều diễn ra trên biển, các tổ khảo sát hoạt động độc lập theo từng vị trí trụ và cách rất xa sinh hoạt trong đất liền. Có một thay đổi hoá ra rất hữu ích, đó là mỗi khi ra biển, ghe lúc ra và về đều phải ghé vào trạm biên phòng cửa sông Gành Hào để kiểm tra thân nhiệt và khai báo sức khỏe từng người. Về việc ăn uống, ban điều hành vẫn đặt cơm ba bữa đưa đến nhà nghỉ và đưa tới giàn khoan, nên mọi việc đều ổn.
PV: Đến hiện tại, ông ấn tượng với điều gì nhất trong quá trình khảo sát cho dự án điện gió đầu tiên này của PECC2?
Ông Phạm Văn Phúc Tín: Ấn tượng nhất là sự về đích ngoạn mục. Trong tháng 2, tôi đã rất bi quan về tiến độ. Tôi biết Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị liên quan cũng rất lo lắng về điều này. Nhưng cuối cùng, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, nhờ nỗ lực của các nhà thầu và các anh em kỹ sư, công nhân, công việc đã hoàn thành tốt đẹp, kỷ luật lao động được giữ gìn tốt và an toàn lao động được bảo đảm.
Tôi xin gửi lời chân thành cảm ơn đến Tổng Giám đốc, các lãnh đạo đơn vị trong công ty, các thành viên trong ban điều hành, nhà thầu Xí nghiệp Khảo sát Tổng hợp Miền Nam, nhà thầu Thế giới kỹ thuật, các anh em kỹ sư, công nhân và những người có liên quan đã giúp đỡ, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
PV: Ông có thể cho biết, khi được giao nhiệm vụ khảo sát dự án này, quá trình chuẩn bị của ông cũng như Phòng Kỹ thuật Khảo sát diễn ra như thế nào?
Ông Phạm Văn Phúc Tín: Khi nhận được quyết định của Tổng Giám đốc giao nhiệm vụ phụ trách Ban Điều hành khảo sát hiện trường, tôi đã gặp Trưởng Phòng Kỹ thuật Khảo sát để nhận tất cả các tài liệu liên quan và tham gia các cuộc họp khởi động với các nhà thầu phụ của dự án. Theo sơ đồ thiết kế, dự án sẽ có 18 trụ tuabin gió phát điện, với mỗi trụ được xem là một “tiểu dự án” khảo sát.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu phụ, tiến độ khảo sát tại hiện trường sẽ là 90 ngày. Với kinh nghiệm ở các dự án khác và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chúng tôi cho dự án này thì tiến độ này không phải quá căng, nhưng ở đây, thời gian khảo sát trùng với mùa gió và sóng tại biển Bạc Liêu. Theo quy định, khi tốc độ gió lớn hơn 31km/h hoặc biên độ sóng lớn hơn 1,2m thì công tác khảo sát phải dừng lại để đảm bảo an toàn. Cho nên, sóng và gió là trở ngại lớn đối với anh em khi làm việc tại giàn khoan trên biển và còn gây căng thẳng cho tiến độ của công tác khảo sát.
Công tác lắp ráp giàn khoan tại cầu tàu
PV: Ông có thể kể rõ hơn những căng thẳng mà dự án phải đối mặt và cách chúng ta vượt qua các khó khăn đó, thưa ông?
Ông Phạm Văn Phúc Tín: Như tôi có đề cập, khó khăn lớn nhất là thời tiết không thuận lợi trong suốt hai phần ba thời gian thực hiện khảo sát, ví dụ trường hợp đã xảy ra cho giàn khoan tại vị trí trụ WTG-2. Ngày 07/02/2020, nhà thầu lắp đặt xong giàn khoan thì 3 ngày sau, sóng và gió lớn đã đánh sập giàn lúc nửa đêm, gãy cả 2 chân trụ, bẻ cong 2 chân trụ còn lại và xê dịch giàn đến 80m. Nhà thầu đã phải kéo giàn khoan vào bờ để sửa chữa, thay thế và đến đầu tháng 3 mới quay lại được vị trí khoan cũ, nghĩa là mất hơn 20 ngày không khoan được 1m nào, trong khi tiến độ lại thúc bách. Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào năng lực và kinh nghiệm của 2 nhà thầu phụ là Xí nghiệp Khảo sát Tổng hợp Miền Nam và Công ty Thế giới Kỹ thuật (TW). Đây là các đơn vị khảo sát dày dặn kinh nghiệm khoan khảo sát trên biển qua các công trình trước đây.
Rất may mắn là vào đầu tháng 3, biển khá lặng, đúng như dự đoán của anh em chúng tôi. Ban điều hành đã cùng các nhà thầu tiến hành đẩy nhanh tiến độ thi công. Họ đã chứng tỏ năng lực khi tăng cường thêm máy khoan, nhân lực và làm thêm ca đêm. Vào lúc cao điểm của công tác khảo sát, 6 giàn khoan cùng làm việc liên tục bất kể ngày đêm để bù đắp cho công việc bị chậm. Chỉ trong tháng 3, các nhà thầu đã thực hiện được khối lượng khảo sát bằng cả tháng 1 và 2 cộng lại. Chúng tôi thấy được nét hân hoan trên khuôn mặt anh em khi công việc đúng tiến độ. Bên cạnh đó là niềm vui sẽ đoàn tụ gia đình sau 3 tháng liên tục bám biển, vượt qua con sóng, ngọn gió để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các giàn khoan khảo sát của dự án
PV: Là một trong “lão thành” của PECC2, đóng góp trong nhiều dự án trên khắp mọi miền đất nước, ông có thể chia sẻ gì thêm với các kỹ sư trẻ, những người sẽ tiếp nối con đường mà các thế hệ chuyên gia như ông đã đi qua?
Ông Phạm Văn Phúc Tín: Nếu nói như một người đi trước thì tôi sẽ nói với các bạn trẻ như sau: Hãy yêu quý công việc mình đang làm và lạc quan trong cuộc sống!
PV: Xin chân thành cảm ơn ông và xin chúc mừng đội ngũ đã hoàn thành xuất sắc công tác được giao đối với công trình ý nghĩa này của PECC2!
Thực hiện: Lê Thanh Nghị