Ngày 25/11/2024, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới; trước mắt tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiếp theo đó, ngày 30/11/2024, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung đáng chú ý là Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh Tư liệu.
Việc Việt Nam xem xét và quyết định khởi động lại chương trình điện hạt nhân sau một thời gian gián đoạn có liên quan đến nhiều yếu tố như: đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ứng dụng các công nghệ tiên tiến đã được kiểm chứng, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Trong những năm qua, nhiều đơn vị tại Việt Nam, đặc biệt là VINATOM và PECC2 đã và đang tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu định hướng phát triển điện hạt nhân. Ngay từ năm 2022, tại ấn phẩm “Phân tích và nhận định của PECC2 về Triển vọng phát triển năng lượng Việt Nam - Ấn bản 2022”, Chương 6 – Năng lượng nguyên tử, các tác giả Trần Chí Thành, Lê Văn Hồng, Trần Bích Ngọc, Phạm Như Việt Hà đã đề xuất lộ trình sơ bộ phát triển điện hạt nhân cho Việt Nam như sau:
Đến năm 2030:
- Thực hiện dự án điện hạt nhân nhân số 1: Khởi công xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và đưa vào vận hành tổ máy số 1 năm 2035, tổ máy số 2 năm 2036; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để triển khai các dự án tiếp theo.
- Đảm bảo an toàn hạt nhân: hoàn thiện và ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ cho việc cấp phép vận hành, bảo dưỡng nhà máy ĐHN; tăng cường năng lực cho Cục ATBX&HN, bảo đảm thực thi nhiệm vụ của Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân.
- Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: tiếp tục xây dựng Viện NLNTVN như một cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập hoàn chỉnh, đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ: phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân; quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường; kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Đến năm 2045:
- Thực hiện các dự án điện hạt nhân nhân số 2 và số 3: Xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân thứ 2 và thứ 3. Đưa ĐHN thành một trong những nguồn năng lượng quan trọng của đất nước; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để triển khai các dự án tiếp theo, từng bước tăng dần tỷ lệ ĐHN một cách hợp lý.
- Xem xét thực hiện các dự án điện hạt nhân sử dụng lò SMR sau khi SMR đã được kiểm chứng qua vận hành thực tế.
- Đảm bảo an toàn hạt nhân: hoàn thiện, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo năng lực của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân phù hợp với sự phát triển của chương trình ĐHN tại thời điểm năm 2045.
- Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: tăng cường, bổ sung tiềm lực cho cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập và cho các viện nghiên cứu liên quan, các trường đại học phù hợp với nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của chương trình ĐHN tại thời điểm năm 2045.
Trích Tạp chí
"PHÂN TÍCH VÀ NHẬN ĐỊNH CỦA PECC2 VỀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM"
(ẤN BẢN 2024)
Thông tin cập nhật: Vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày 04/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) sẽ làm chủ đầu tư nhà máy Ninh Thuận 2.
Về tiến độ, Thủ tướng nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030.
Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đề xuất hai kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Theo đó, thời gian vận hành (phát điện) các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ theo hai phương án.
Với kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1.200 MW) vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2x1.200 MW) vận hành giai đoạn 2036-2040. Còn với kịch bản cao, cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, II (4x1.200 MW) cùng vận hành giai đoạn 2031-2035.
Như vậy, Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào năm 2030 và muộn nhất vào năm 2035.