Toàn cảnh buổi làm việc giữa TR&D (PECC2) và ĐHBK
Cùng với niềm trăn trở trên, nhằm nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa PECC2 và ĐHBK, vừa qua, đại diện PECC2 là TR&D đã có buổi làm việc với Phòng Quan hệ đối ngoại và một số Khoa của ĐHBK tại trụ sở ĐHBK để đào sâu nội dung này. Hai bên đã thảo luận và dự kiến các lĩnh vực hợp tác giữa PECC2 và ĐHBK quanh nhiều nội dung như đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ sinh viên, tham gia các chương trình hội thảo khoa học của nhau…
Về đào tạo, chương trình hợp tác giữa PECC2 và ĐHBK sẽ bao gồm các khóa đào tạo ngắn hạn, trực tuyến, chương trình E-learning, các khóa đào tạo chuyên môn, kỹ năng, chương trình đào tạo tiến sĩ…
Về hợp tác nghiên cứu khoa học ứng dụng, PECC2 sẽ phối hợp với ĐHBK hợp tác nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, tối ưu hóa các chu trình nhiệt, hệ thống điện, các nguồn điện truyền thống và năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối...), lưới điện thông minh, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực điện (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things...), cơ khí (gia công chế tạo cho các công trình năng lượng....), môi trường (công nghệ xử lý môi trường cho các dự án điện...), BIM, GIS, vật liệu trong ngành điện.
Để cụ thể hóa chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học với ĐHBK, đầu tháng 7/2020, TR&D và TNĐ đã có buổi làm việc với bộ môn Hệ thống điện và Nhiệt lạnh thuộc ĐHBK về các đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu vận hành ổn định hệ thống điện trong điều kiện tỷ trọng xâm nhập của nguồn năng lượng tái tạo tăng cao” và “Nghiên cứu các ứng dụng để tận dụng nhiệt lạnh từ quá trình tái hóa khí LNG”. Đây là các nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề mới xuất hiện trong hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn tới, khi nhiều nguồn năng lượng tái tạo và LNG được đưa vào vận hành trong hệ thống điện.
TR&D (PECC2) làm việc với Khoa Điện – Điện Tử, ĐHBK về hợp tác nghiên cứu khoa học
Dự kiến trong tháng 8/2020, giữa PECC2 và ĐHBK sẽ tiến hành ký kết “Thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và đào tạo” để nâng tầm quan hệ phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.
Thực hiện: Lê Thanh Nghị
Nguồn lực của PECC2 và Đại học Bách Khoa TP.HCM Đội ngũ nhân sự của Đại học Bách Khoa TP.HCM gồm 11 GS, 130 PGS và gần 400 tiến sĩ cùng tập thể các nghiên cứu viên, kỹ sư lành nghề… đã thực hiện hiệu quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước, cấp tỉnh và nhiều dự án phối hợp với các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của nhà trường ngày một hoàn thiện với 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 6 phòng thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, 9 trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Nhà trường sở hữu hơn 200 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín mỗi năm, hoàn thành nhiều dự án chuyển giao công nghệ với các địa phương và các doanh nghiệp. Về PECC2, đội ngũ kỹ sư, chuyên viên, thạc sỹ và tiến sỹ của PECC2 có khoảng hơn 530 người, chiếm khoảng 63% tổng nhân sự công ty (tính đến 31/12/2019). Mối quan tâm của của PECC2 là luôn cải tiến quy trình sản xuất và quản lý; hiện đại hóa công nghệ để đáp ứng các thách thức trong môi trường ngày càng cạnh tranh; đào tạo, huấn luyện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư. |