Trương Khắc Len - Người lèo lái đầy lửa một thời của PECC2

“Chú Len” trong mắt người PECC2

Năm ngoái, đêm gala sự kiện team building của anh chị em PECC2 tại Vũng Tàu mở màn bằng tiết mục thổi nến mừng sinh nhật “chú Len”. Ông xuất hiện giản dị, có chút ngại ngùng khi nhận được những lời chúc bất ngờ. Sau này có dịp trò chuyện với những đàn anh gắn bó nhiều năm trong công ty, người viết mới biết, cái con người có vẻ ít nói, trầm lặng trong buổi tiệc hôm đó, lại chính là con người xông xáo, đầy lửa, đã lèo lái PECC2 đi qua nhiều thử thách. Và sự giản dị đó, cũng đúng là tính cách “đặc sản” của “chú Len”. “Chú Len” là cách các kỹ sư trẻ chúng tôi vẫn gọi thân tình “vị sếp tổng” của nhiệm kỳ trước: ông Trương Khắc Len, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PECC2.   

Gợi lại một kỷ niệm về ông, anh Trần Sỹ Hùng, Phó Chánh văn phòng PECC2, vẫn nhớ như in chuyến khảo sát thực địa cùng ông tại công trình Thủy điện A Vương (Quảng Nam) nhiều năm trước. Để đến nơi, tất cả tập kết bên đường mòn Hồ Chí Minh rồi đi bộ vào rừng khá sâu, lội qua nhiều con suối. “Thời tiết vùng đó khá khó chịu, đang nắng nóng bỗng mưa rất to, tối tăm mặt mũi, chúng tôi cứ đi bộ vào sâu trong rừng, ai cũng thở hồng hộc, vừa đi vừa ngồi nghỉ, riêng sếp Len và người của xí nghiệp khảo sát vẫn rất khỏe, đi băng băng. Sếp Len nói chúng tôi cứ ngồi nghỉ nếu thấy mệt, ông tranh thủ đi đo đạc một vài nơi rồi sẽ quay lại đón anh em đi tiếp vị trí khác”, anh Hùng kể. Lúc khác, trên đường khảo sát, xe còn bị sa lầy, ông không ngại gì việc nhảy xuống đường cùng anh em tìm dây, è lưng kéo xe ra khỏi đoạn đường rừng để về được tới thị trấn.

Hình ảnh: Ông Trương Khắc Len trong thời gian khảo sát thực tế

Cái tính xông xáo, tận tâm, không quan cách đó, vẫn là cách làm việc của ông Trương Khắc Len suốt những chặng đường gắn bó với PECC2. Hồi tưởng lại cơ duyên đưa mình đến với PECC2, ông chia sẻ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước thiếu điện nghiêm trọng. Năm 1981, thủy điện Trị An được xúc tiến xây dựng. Người thanh niên Trương Khắc Len vừa tốt nghiệp ngành Kỹ sư địa hình tại trường Trắc địa Moscow trước đó vài năm, đã được chiêu mộ tham gia vào một trong những đoàn kỹ sư đầu tiên nhận lấy nhiệm vụ đầy thử thách: tiến hành khảo sát cho công trình thuỷ điện Trị An, công trình thủy điện lớn nhất miền nam lúc bấy giờ.

4 năm sau, ngành điện được đặt trước yêu cầu cần những chuyên gia không chỉ nắm vững kỹ thuật mà còn phải có năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh, ông tiếp tục được cử đến Liên Xô, hoàn thành chương trình quản trị kinh tế. Ngày ông về lại Việt Nam cũng là lúc Bộ Điện lực thành lập công ty Khảo sát Thiết kế Điện 2 (PECC2 bây giờ). Ông Trương Khắc Len trở lại “đội địa hình” và tiếp tục cùng các đồng đội chinh phục nhiều dự án trọng điểm khác như dự án Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, Đại Ninh, vv... Từ một kỹ sư địa hình, bằng năng lực chuyên môn và khả năng quản lý hiệu quả, ông đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 năm 1994. Năm 2007, khi công ty được cổ phần hoá, ông được giao trọng trách Tổng Giám đốc. Đến năm 2009, ông đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2.

Những kẻ mở đường đi tìm điện cho dân và chiếc công văn “báu vật” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chia sẻ về những kỷ niệm làm mình tâm đắc, ông Khắc Len lại nhắc về hành trình chinh phục Dự án Hàm Thuận - Đa Mi. Địa bàn dự án lúc ấy nằm sâu trong rừng, thời gian đầu, nhóm khảo sát phải tự mở đường, nhiều lần xe bị sa lầy không đi được, đêm xuống, việc tất cả ngủ lại trên tấm bạt giữa đường là bình thường. Nhưng những cực nhọc về điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại với các kỹ sư, công nhân lúc đó hãy mới là những khó khăn bề nổi, bởi họ còn chịu những thử thách tâm lý lớn hơn.

Ông kể, dự án Hàm Thuận - Đa Mi diễn ra vào giai đoạn chính trị xã hội không ít nhạy cảm. Dự án ban đầu hợp tác làm việc với các kỹ sư Liên Xô, đến năm 1991, Liên Xô tan rã, họ rút về nước, giữa lúc dự án đang dang dở. Phấp phỏng đợi chờ, vài năm sau, đến lúc có tiền vốn ODA của Nhật, công việc mới được nối lại. Lúc đó, PECC2 là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam tiếp cận vốn ODA của Nhật. Ông nhớ lại, việc làm quen với với lối làm việc hoàn toàn khác giữa Nga và Nhật cũng là một thử thách khả năng thích ứng của mình: “Ông Liên xô trước đó chọn tuyến đập phía trên, ông Nhật thì chọn phía dưới. Tuyến năng lượng, tuyến nhà máy cũng chọn vị trí khác, mỗi người chọn một bờ thác Đa Mi…”.

Không quá lời khi nói, những công trình ông cùng các anh em kỹ sư, công nhân tham gia thời điểm ấy, là có dấu vết của mồ hôi và cả xương máu. Ông đau đáu nhớ lại, ngày đó, núi rừng trắc trở, đã có hai công nhân của công ty hy sinh khi đang lái xe trong rừng vào công trường làm nhiệm vụ. Sự việc đau lòng xảy ra vào đúng mồng 8 Tết, lúc ông Len đang trực công trường. Vượt qua những ám ảnh tâm lý, ông cùng các đồng đội còn lại động viên nhau quyết tâm hoàn thành dự án. Không phụ lòng kỳ vọng của tất cả, vượt qua gian khổ, dự án thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi một thời đã giúp Công ty KSTK Điện 2 (nay là PECC2) khẳng định vị thế của mình trong ngành điện. “Sau dự án này chúng ta đã học được rất nhiều điều”, ông Len chia sẻ.

Vị trí lãnh đạo PECC2 lúc đó cũng đòi hỏi một nỗ lực làm việc vượt sức mình, với trách nhiệm và sự quyết liệt tận cùng. Một trong những công trình lịch sử của ngành điện Việt Nam, phải kể đến Dự án đường dây Bắc Nam 500kV, với lời phát lệnh từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1992. Là người góp mặt trong dự án, Ông Len nhớ lại không khí làm việc khẩn trương lúc đó: “Nhà mình ở Phú Nhuận, xí nghiệp đóng ở Thủ Đức, vậy mà có những tuần liền mình không thể về nhà dù chỉ một chút. Giữa giờ làm việc, tranh thủ ngủ trên bàn một chút, lại chạy ra công trường, rồi chạy lên công ty”.

Trong cặp của ông lúc đó luôn… khư khư một chiếc công văn, đó là chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ghi rõ yêu cầu tất cả các địa phương phải hỗ trợ cho việc xây dựng đường dây 500kV, vướng gì thì báo cáo lại, không được cản trở công việc. Cũng chính “cái công văn thần kỳ” đó đã “cứu” ông không ít lần, kể cả những lần công ty gian nan thương thảo với… người dân trồng điều ở một huyện tại Bình Phước, xin họ được chặt bớt cây, phục vụ khảo sát. Dù được hứa sẽ bồi thường, nhưng người dân ở địa phương này còn chưa thông cảm nên vẫn phản đối, chính quyền địa phương lại không hỗ trợ.

Nghe anh em từ hiện trường kể lại, ông chạy một mạch từ Đắk Nông về Bình Phước, tới nơi đã là 21h30, ông vẫn tới gõ cửa tận nhà của chủ tịch UBND huyện để nói chuyện, thuyết phục. Sự dấn thân đồng hành trên từng cây số của ông với cương vị lãnh đạo lúc đó, đã trở thành mắt xích hiệu quả trong dự án, dù nhắc lại, ông chỉ xem đó như là một trách nhiệm đơn sơ nhất của mình: “Tất cả vì công việc, tất cả vì PECC2!”.

Hình ảnh: Ông Trương Khắc Len cùng Giám đốc Lê Quang Huyến tham gia một buổi báo cáo công việc với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thủy điện Đại Ninh

“Tư vấn là làm tính việc, không tính giờ” và giấc mơ nhỏ dành cho người PECC2

Ở tuổi 68, với 35 năm gắn bó với công ty, ông trương Khắc Len từng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhưng với ông, tài sản tinh thần lớn nhất, có lẽ là tình cảm gắn bó giữa những anh em hết lòng vì công việc.

Ông nhấn mạnh về sự tận tâm trong nghề: “Tư vấn là làm tính việc không tính giờ, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, phải hòa đồng, đoàn kết, đồng cam cộng khổ, và tất cả vì công ty”. Chính những kinh nghiệm trận mạc đã làm nên tâm niệm mà ông luôn muốn dặn dò đàn em: “Là kỹ sư thiết kế, muốn nâng cao tay nghề, phải dấn thân ở công trường, nơi thực tế cho ta thấy nhiều cái khác xa lý thuyết thiết kế, sẽ học được nhiều điều”.

Hỏi ông về triết lý trong công việc, ông không nói gì to tát, chỉ bảo: “Chuyện deadline gần như là pháp lệnh rồi, làm gì thì làm cũng phải hoàn thành mục tiêu công việc đề ra”. Nhắc đến những năm tháng học tập xa đất nước, ông bảo, điều ông học được từ các kỹ sư Liên Xô là tính cần mẫn, tỉ mỉ và sự chia sẻ hết lòng.

Khi được hỏi điều gì khiến ông còn trăn trở, chưa làm được khi đang trong vai trò Tổng Giám đốc, ông cười bảo: “Trăn trở thì nhiều, và còn cả nhiều ước mơ”. Trong những “giấc mơ nhỏ” của ông, có một nguyện vọng rất thực tế, là chuyện công ty có cổ phiếu thưởng cho người lao động. Trước đây, vì nhiều trở ngại về quy chế, việc này vẫn chưa được thực hiện. Bây giờ, trong cương vị là thành viên HĐQT, ông vẫn thúc đẩy việc hiện thực hoá điều này.

Không chỉ là một vị lãnh đạo thành công, được tập thể tin cậy, dù bận rộn trăm việc, trong mắt con cái, đồng nghiệp, còn có một Trương Khắc Len khác, là trụ cột của một đại gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng với sự khiêm nhường của mình, ông lại gạt chuyện đời tư của mình đi, dặn mãi, là chỉ nói về PECC2 thôi. Nói chuyện cũ, ông lại ngại. Nhưng với những người mới, người trẻ như chúng tôi, những chuyện cũ, người cũ ở PECC2, phải chăng cũng có thể là niềm cảm hứng không nhỏ để chúng tôi bước tới, chinh phục những thử thách mới của thế hệ mình.

Thực hiện: Võ Đức Gioang

 

Chia sẻ: