Nguồn: Internet
Hạ tầng thông minh: nhu cầu tất yếu của thế giới
Chúng ta đã quen sống với môi trường vật lý với vũ trụ mênh mông bao quanh và tận hưởng các sáng tạo phong phú của con người qua các cuộc cách mạng công nghiệp: phát minh ra máy hơi nước ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1760-1830), phát minh ra điện thoại, điện năng và động cơ đốt trong ở cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1870-1970) và phát minh ra máy tính chủ, máy tính cá nhân cùng Internet ở cách mạng công nghiệp lần thứ ba (những năm 1970).
Chúng ta cũng đã quen sống trong môi trường sinh học của trái đất, với hệ sinh thái đa dạng, từ thảm thực vật, động vật, cho đến vi sinh vật trong nước và bầu khí quyển mà chúng ta hít thở.
Còn ngày nay, chúng ta nghe nhiều về không gian ảo hay còn gọi là không gian số, đó là thế giới ảo mà nhiều người đang “sống” thông qua việc lướt web, tham gia mạng xã hội, rồi kinh doanh, làm việc và học tập trực tuyến trên Internet. Dẫu vậy, thế giới ảo dường như vẫn còn tương đối cô lập và tách biệt với hai môi trường vật lý và sinh học do hạ tầng kết nối hiện nay vẫn còn mang tính rời rạc.
Điều tất yếu là thế giới cần có một kết nối có thể hợp nhất và hòa quyện cả ba môi trường sống nêu trên để phục vụ tốt hơn cho nhân loại. Đó chính là hạ tầng số với bản chất kết nối thông minh, là nền tảng của CMCN 4.0.
Nguồn: Internet
Vậy, hạ tầng số là gì? Đó là hạ tầng được hình thành từ năm thành phần: hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng phát triển công nghệ.
Nói đến hạ tầng kết nối là chúng ta nghĩ ngay đến mạng cáp quang và mạng không dây đang phục vụ cho hầu hết các nhu cầu kết nối mạng ngày nay. Còn hạ tầng thiết bị thì gồm các máy tính điện tử như máy trạm, máy chủ, máy tính xách tay, và các siêu máy tính ảo sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Ngoài ra còn có cả máy tính lượng tử đang được tập trung nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm. Hạ tầng thiết bị còn bao gồm rất nhiều thiết bị di động thông minh, chẳng hạn những chiếc smartphone mà chúng ta đang sử dụng.
Hạ tầng dữ liệu là phần tài sản quý nhất, gồm công nghệ, quy trình, chỉ dẫn về cách tổ chức, vận hành, quản lý và sử dụng dữ liệu. Đối với doanh nghiệp, hạ tầng dữ liệu là cơ sở để thực hiện các đổi mới sáng tạo và phục vụ cho quá trình ra quyết định chính xác và gần như tức thời. Công việc chính của việc xây dựng hạ tầng dữ liệu là số hóa, thu thập, tổ chức và sản xuất ra dữ liệu mới.
Hạ tầng ứng dụng gồm các ứng dụng thông minh dựa trên phân tích dữ liệu lớn (Big data) và các thành tựu của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Một số ứng dụng tiêu biểu là in 3D, phần mềm tác động bằng giọng nói, robot tiên tiến, xe tự hành v.v… Và đặc biệt, người ta dự báo rằng cỗ máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên sẽ có mặt trong hội đồng quản trị doanh nghiệp trong một tương lai không xa nữa.
Sau cùng, Hạ tầng phát triển công nghệ là thành phần có chức năng kết nối tất cả 4 hạ tầng thành phần nêu trên. Nó bao gồm nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, các phương tiện và cơ chế đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 được phát triển trên cơ sở hạ tầng số nên việc xây dựng hạ tầng số với các hạ tầng thành phần nói trên là bước đi đầu tiên và cơ bản để “bẻ ghi” cho con tàu chuyển đổi số tiến về tương lai.
Con tàu chuyển đổi số quy mô toàn cầu đang tăng tốc
Con tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã chuyển động và đang tăng tốc, tạo ra những chuyển biến có tính cách mạng trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi nhiều giá trị cũ, hình thành nên những giá trị mới chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại sự hứng khởi sáng tạo và thúc đẩy việc tìm kiếm những đột phá mới trong mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại.
Nguồn: Internet
Klaus Schwab – Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định rằng: “Với đặc trưng là một loạt công nghệ mới hòa trộn thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học, những bước phát triển của cuộc cách mạng lần thứ tư đang ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề và chính phủ, thậm chí thách thức cả nội hàm của khái niệm “con người””, và “Trí tuệ nhân tạo đã sớm hiện diện quanh ta, từ các siêu máy tính, thiết bị bay không người lái, trợ lý ảo đến công nghệ in 3D, giải mã gen, nhiệt kế thông minh, cảm biến đeo trên người và các siêu vi mạch nhỏ hơn hạt cát. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu: vật liệu nano cứng hơn thép 200 lần, mỏng hơn sợi tóc 1 triệu lần và ca ghép gan nhân tạo sản xuất bằng công nghệ in 3D đầu tiên đang trong quá trình phát triển. Hãy tưởng tượng những “nhà máy thông minh” trong đó các hệ thống sản xuất toàn cầu được điều phối ảo, hay điện thoại di động cấy ghép được lên cơ thể người nhờ sử dụng vật liệu sinh học tổng hợp” (1).
Doanh nghiệp Việt cần phải làm gì?
Người ta đã hình dung ra một cách chi tiết tương lai của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số này, ở đó:
Quá trình số hóa kết hợp với toàn cầu hóa cho phép các doanh nghiệp sử dụng các mạng dữ liệu và chuỗi cung ứng rộng khắp thế giới và phức tạp hơn, với các quá trình đặt hàng, chế tạo và thanh toán tự động.
Các công nghệ sổ cái phân tán như chuỗi khối (Block Chain) và các hợp đồng thông minh (Smart Contract) sẽ dẫn đến số hóa công tác mua sắm (cho phép thị trường tương tác với chuỗi cung ứng thông qua công nghệ mà không cần phụ thuộc vào tương tác với con người).
Các hệ thống kỹ thuật và thiết kế dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra các mô hình thông tin công trình (BIM) đa chiều, bao gồm các dữ liệu đối tượng (3D), tiến độ (4D), chi phí (5D), tính bền vững (6D), và vận hành và bảo trì (7D). Trong quá trình xây dựng, các thông tin từ mô hình BIM đa chiều sẽ hướng dẫn các robot và các máy thi công tự động hóa (các máy đào và xe tải tự động, robot xây gạch, máy in 3D và thiết bị bay không người lái). Vai trò con người lúc này sẽ chỉ còn giám sát và cài đặt, bảo trì các robot.
Nhiều công nghệ vật lý và công nghệ số cũng đang được kết hợp thông qua các công nghệ phân tích, nhận thức, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật để tạo ra các công ty số có tính liên kết và có khả năng ra quyết định chính xác và tức thời.
Nguồn: Internet
Vậy các doanh nghiệp phải làm gì để không “hụt hơi” trong cuộc chuyển đổi số? Chuyển đổi số là sự chuyển mình để doanh nghiệp tạo sự đột phá về năng lực và mô hình kinh doanh. Tuy vậy, chuyển đổi số không chỉ là các hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà trên hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp mà văn hóa không ủng hộ đổi mới và các nhân sự, từ lãnh đạo xuống đến nhân viên, không có tư duy số hóa, thì không có một công nghệ đột phá nào có thể giúp doanh nghiệp tồn tại trong thời đại số, và tất nhiên sẽ không thể có chuyển đổi số!
Một cuộc chuyển đổi số trong doanh nghiệp muốn thành công cần tuân theo công thức tổng lực của 5 trụ cột sau:
Chuyển đổi số và hành động của PECC2
Chuyển đối số là trào lưu tất yếu, tuy nhiên mỗi ngành nghề, doanh nghiệp có các đặc thù riêng nên cần xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp. PECC2 cũng chọn cách đi riêng của mình.
PECC2 chú trọng vào đổi mới văn hóa doanh nghiệp, là bước nền tảng cho chuyển đổi số, thông qua tái cấu trúc các bộ phận trong công ty phù hợp với chiến lược phát triển mới, sắp xếp lại nhân sự cho các vị trí chủ chốt, thay đổi, điều chỉnh trách nhiệm của một số nhân sự chính, “chuẩn hóa” các năng lực cho các kỹ sư PECC2; và thông qua các hình thức đào tạo để từng bước thay đổi niềm tin, thái độ và hành vi của nhân sự PECC2.
Với nhận thức rằng các công nghệ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đều xoay quanh vấn đề dữ liệu, đồng thời xem dữ liệu là tài sản quý của công ty, PECC2 đang quyết tâm xây dựng và hoàn thành trung tâm dữ liệu mang thương hiệu PECC2. Từ đó, áp dụng các công nghệ xử lý dữ liệu và công nghệ số phù hợp để phát triển dịch vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.
PECC2 cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai áp dụng mô hình BIM cho các dự án, với các dự án thiết kế tiên phong trong lĩnh vực lưới điện.
PECC2 chú trọng vào đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết về CMCN 4.0 cho các nhân sự trong PECC2, thông qua việc lên các chương trình đào tạo kiến thức cơ bản về các công nghệ đột phá 4.0 như: trí tuệ nhân tạo và học máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và học sâu.
PECC2 xác định quá trình chuyển đổi số sẽ được áp dụng, chuyển đổi từng bước, để tránh bị sa lầy vào các giải pháp công nghệ mà công ty chưa hiểu rõ, không “gây sốc” đến các quy trình vận hành hiện hữu của công ty, đồng thời thường xuyên cập nhật, nắm bắt các công nghệ mới nổi và các dịch vụ mới để xem xét, áp dụng với nguyên tắc “đi tắt, đón đầu”.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) được hiểu là quá trình sử dụng dữ liệu được số hóa và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức. Quá trình chuyển đổi số thường được chia thành ba cấp độ: một là số hoá thông tin (Digitization) nhằm tạo ra biểu diễn số của các thực thể, hai là số hóa tổ chức (Digitalization) nhằm tạo ra hoặc đổi mới mô hình hoạt động hay kinh doanh của các tổ chức hay doanh nghiệp để thích nghi với sự hiện hữu của các môi trường số hóa, tức là chuyển đổi cách thức hoạt động với việc dùng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra giá trị mới lớn hơn của tổ chức và doanh nghiệp, ba là chuyển đổi tổng thể và toàn diện cho tổ chức, doanh nghiệp (Transformation), gồm lãnh đạo, nhân viên, văn hoá, quy trình… với mô hình hoạt động mới. |
Thực hiện: Ban Biên tập
Tham khảo:
1. Klaus Schwab. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nhà xuất bản Thế Giới. 2018.
2. Think Tank VINASA. Việt Nam thời chuyển đổi số. Nhà xuất bản Thế Giới. 2019.