BIM - "Bộ não" của những công trình lưới điện thời 4.0

Xu hướng phát triển BIM trên thế giới (Nguồn: Internet)

6 ưu điểm thiết kế khiến BIM trở thành công nghệ không thể thiếu trong lĩnh vực xây dựng hiện đại

Đang có rất nhiều định nghĩa khác nhau về BIM trên thế giới, nhưng tựu trung, các định nghĩa đều giải thích BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho việc thiết kế, thi công và quản lý vận hành, bảo trì công trình.

(Nguồn: Internet)

Việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng và cả cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Riêng về mặt thiết kế, BIM mang lại những thuận lợi như sau:

      1. Có được “bức tranh” chính xác và toàn diện về các phương án thiết kế, từ đó, giảm thiểu các rủi ro khi phải xử lý các thay đổi thiết kế.

      2. Có khả năng phân tích và tạo môi trường giả lập, giúp hợp lý hóa thiết kế và đem lại hiệu quả đầu tư tối ưu.

      3. Dễ dàng kiểm soát được các mốc tiến độ xây dựng công trình.

      4. Kiểm soát, kiểm tra được khối lượng xây lắp, vật tư thiết bị được bóc tách trực tiếp từ mô hình thông tin công trình

      5. Giúp loại trừ gần như triệt để các xung đột về thiết kế trong quá trình xây dựng, mà có thể làm chậm tiến độ thi công, làm tăng chi phí do đập đi làm lại …

      6. Tạo điều kiện để các chủ thể liên quan đến công trình (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài trợ vốn…) được chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời.

Lợi ích trong thiết kế của BIM (Nguồn: Internet)

PECC2 đang chủ động áp dụng công nghệ BIM như thế nào?

Trước những điểm cộng vượt trội từ BIM, PECC2 đang tự tin bắt sóng xu hướng áp dụng công nghệ BIM trong nhiều dự án của mình. Tiêu biểu trong đó có Dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana, Dự án Trạm biến áp 220kV Duy Xuyên...

Quá trình thực hiện được khái quát qua các bước như sau:

      1. Xây dựng mô hình 3D sơ khởi

      2. Tạo môi trường dữ liệu dùng chung (CDE)

      3. Phân chia công việc trong nhóm thực hiện dự án

      4. Chèn mô hình con vào mô hình chính (Lập Symbol, Lập Assembly, Lập Module) từ đó hoàn thành Mô hình 3D hoàn chỉnh của dự án

      5. Kiểm soát chất lượng dự án

      6. Hoàn thiện các chi tiết dự án

      7. Xuất khối lượng (BOM)

      8. Xuất bản vẽ 2D

      9. Phê duyệt hồ sơ, thi công dự án

Mô hình 3D TBA 220kV Krông Ana hoàn thiện

Cùng với những cải tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý thông tin công trình qua công nghệ BIM, các dự án của PECC2 đã bước đầu chứng kiến những hiệu quả kinh tế đáng khích lệ: Cả chi phí xây dựng, thời gian thiết kế cũng như thời gian thi công đều được tiết giảm, nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo tiến độ vận hành các công trình lưới điện.

Việc ứng dụng BIM giúp chuẩn hóa tất cả các công đoạn thực hiện, cách thức chuyển giao dữ liệu… bằng các hướng dẫn, quy định, các file mẫu. Trong đó, các quy trình được kiểm soát xuyên suốt nhờ ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin.

Có thể khẳng định, BIM đã cung cấp công cụ để lên kế hoạch toàn diện và nâng cao khả năng điều hành, quản lý đối với cả vòng đời dự án ở trình độ công nghệ tiên tiến. Nhờ BIM, ban quản lý dự án được cung cấp một mô hình trực quan về tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ phát triển giá thành công trình… Điều này giúp cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có sự chuẩn bị tốt hơn về huy động nguồn vốn, dễ dàng kiểm soát chi phí, theo dõi kế hoạch nhân lực hay các kế hoạch tổ chức thi công ngoài công trường.

BIM – Cơ sở dữ liệu sử dụng thống nhất trong toàn vòng đời công trình (Nguồn: Internet)

Dĩ nhiên, việc áp dụng cái mới không phải là việc một sớm một chiều. Dù BIM đem lại cơ hội lớn cho việc cải cách phương pháp quản lý các dự án công trình lưới điện, việc triển khai BIM hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, cần thời gian để thích nghi. Đó là các thách thức liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, quá trình chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới, quy trình phối hợp của các chủ thể trong dự án đòi hỏi tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao…

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang xem xét việc ban hành các quyết định, nghị định... nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng BIM đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả.

(Nguồn: Internet)

Áp dụng công nghệ BIM cũng chính là một trong những thôi thúc tất yếu của quá trình chuyển đổi số của PECC2. Với những “bộ não thông minh” đến từ công nghệ BIM, sức mạnh cạnh tranh của PECC2 nói riêng và của toàn ngành điện nói chung sẽ càng được nâng cánh, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển bền vững cho đất nước lẫn hội nhập quốc tế.

Thực hiện: Trần Thế Thông, Nguyễn Bình Minh

Tham khảo:

1. Klaus Schwab. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nhà xuất bản Thế Giới. 2018.

2. Nguyễn Việt Hùng (2015), Nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng và quản lý công trình tại Việt Nam, Viện kinh tế xây dựng, Hà Nội.

Chia sẻ: