DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN GIÓ TÂN THUẬN 75 MW HOÀN THÀNH XUẤT SẮC MỤC TIÊU VẬN HÀNH THƯƠNG MẠI (COD)

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra áp lực vô cùng to lớn lên tiến độ của các dự án, đặc biệt là các dự án điện gió khi phải nỗ lực “chạy đua” nhằm vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để được hưởng mức giá FIT ưu đãi (theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đối mặt và trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách, ngày 30/10/2021, Dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận 75MW chính thức được EVN EPTC công nhận vận hành thương mại (COD). Thành quả này là minh chứng rõ nét cho tinh thần thép và ý chí chưa một lần đầu hàng cùng quyết tâm chinh phục xuất sắc mục tiêu của đội ngũ PECC2.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận quy mô 75 MW gồm 18 trụ tuabin gió, do Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) làm chủ đầu tư. Là dự án điện gió gần bờ đầu tiên thuộc tỉnh Cà Mau, trên địa phận khu vực biển xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, NMĐG Tân Thuận được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm do Công ty Cổ Phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) làm Tổng thầu EPC phối hợp cùng các nhà thầu, đối tác uy tín trong nước và quốc tế thực hiện.

18 trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW

Khởi công từ tháng 1/2020, dự án đã được nghiên cứu, khảo sát trong nhiều năm bởi đội ngũ kỹ sư PECC2 từ công tác lựa chọn địa điểm, đo gió, khoan khảo sát tới công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật cho tới công tác quản lý thi công xây dựng.

Với nhiều hạng mục có tính chất phức tạp cao, dự án được tiến hành thi công trên các địa hình khác nhau. Trong đó, 18 trụ điện gió nằm hoàn toàn ngoài khơi với trụ xa nhất cách bờ lên tới 5.3 km; tuyến đường dây 22kV hỗn hợp gồm 5 mạch cáp ngầm xuyên biển nối 18 trụ tuabin gió cùng tuyến đường dây trên không nối từ trụ T1 cho tới Trạm biến áp; Trạm biến áp 110kV nằm trên khu vực cửa sông, có độ sói mòn cao do tác động của dòng chảy cùng đường dây 110kV dài 6.2 km băng qua khu vực có nhiều sông, rạch đòi hỏi tất cả phải có sự tính toán tỉ mỉ, thi công chính xác, hiệp đồng phối hợp giữa tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ.

Tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đặc biệt tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từ tháng 4/2021, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, công tác điều chuyển nhân sự, trang thiết bị phục vụ thi công xây dựng công trình; cùng những biến động liên tục của thời tiết và điều kiện làm việc khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức cho công tác thi công. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Công ty cùng sự giám sát, thi công với tiêu chí bám người, bám việc của đội ngũ kỹ sư công trường nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn, các nhà thầu phụ, đối tác; dự án đã hoàn thành xuất sắc tiến độ, chinh phục mục tiêu COD đã đề ra trước đó.

Đặc biệt, trong tháng 9 năm 2021, công tác commissioning đã được đẩy lên tiến hành song song cùng công tác nghiệm thu dự án sau khi hoàn thành lắp đặt 18 trụ tuabin gió. Đây cũng là lần đầu tiên đội ngũ kỹ sư commissioning PECC2 tham gia công tác chaỵ thử nghiệm cho dự án điện gió gần bờ. Trước thử thách này, các kỹ sư commissioning của PECC2 đã phối hợp và đồng hành cùng các chuyên gia nước ngoài trong công tác chạy thử nghiệm một cách chủ động, chuyên nghiệp, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người PECC2.

Đóng điện thành công trạm biến áp 110kV ngày 20/08/2021

Những ngày cuối tháng 10 trên công trường điện gió Tân Thuận ghi nhận không khí hối hả, khẩn trương và quyết tâm sục sôi của đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động PECC2, nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng thi công công trình, đẩy nhanh và phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành thương mại đúng tiến độ. Trải qua quá trình gian nan từ tháng 01/2020, bằng tất cả niềm đam mê cùng bản lĩnh và kinh nghiệm vững vàng suốt hơn 36 năm, đội ngũ PECC2 đã cùng các nhà thầu chinh phục thách thức và đưa dự án về đích thành công, khẳng định uy tín, vị thế của PECC2 trong sự nghiệp xây dựng và phát triển các công trình điện trên cả nước.

Sau khi đi vào vận hành, nhà máy điện gió Tân Thuận có thể bổ sung cho hệ thống điện quốc gia sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, tạo công ăn việc làm và nguồn thu ổn định cho ngân sách trong những năm tiếp theo.

Thực hiện: PECC2

Chia sẻ: