Việt nam đã sẵn sàng mọi điều kiện để phát triển điện hạt nhân

Đoàn cán bộ khảo sát thực địa tại Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Điện hạt nhân có nhiều ưu điểm

Ở nhiều nước trên thế giới, ĐHN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện năng tùy theo cân bằng năng lượng quốc gia từng thời kỳ. Việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là điện năng một cách đầy đủ và tin cậy không chỉ cần thiết cho sự phát triển kinh tế, mà còn cần thiết cho sự ổn định chính trị và xã hội.

Trong tương lai rất có thể Việt Nam sẽ là nước thiếu điện bởi nguồn năng lượng đang ngày càng cạn kiệt và điện hạt nhân (ĐHN) được coi là nguồn năng lượng giá rẻ đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.

PGS,TS. Nguyễn Nhị Điền – Viện phó viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng: ĐHN là nguồn năng lượng ổn định, lâu dài đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về năng lượng đồng thời góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Đối với Việt Nam nếu được đưa vào khai thác và sử dụng, ĐHN còn đảm bảo cung cấp nguồn điện kinh tế, ổn định, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan, tạo tiền đề cho ngành khoa học công nghệ phát triển.

Được coi là nguồn năng lượng sạch, ĐHN nếu được đưa vào khai thác và sử dụng sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn và vận hành liên tục. Các lò phản ứng điện nguyên tử chạy 24/24 giờ và tiết kiệm nhiên liệu (1 năm chỉ đốt khoảng 1 thanh nhiên liệu uranium). Vòng đời của 1 dự án ĐHN kéo dài tới 60 năm, cao hơn nhiều các dự án nguồn điện khác. Đồng thời các nhà máy ĐHN vận hành ổn định sẽ tạo ra được nguồn năng lượng lớn lên đến hàng chục ngàn MW điện.

Tất cả đã sẵn sàng

Chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN của Việt Nam được thể hiện tại nhiều văn bản pháp lý như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VIII (năm 1996) xác định chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000; Kết luận 55-KL/TW của Bộ chính trị ngày 27/9/2009 về định hướng Quy hoạch phát triển ĐHN giai đoạn đến năm 2030 và đầu tư nhà máy ĐHN Ninh Thuận; Nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua. Ngày 4/5/2010, thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án ĐHN Ninh Thuận để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình dự án. Quyết định số 446/QĐ-TTg, ngày 7/4/2010 thành lập hội đồng An toàn hạt nhân Quốc gia; Quyết định số 1558/QĐ-TTg, ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”; Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Thông tin tuyên truyền về Phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020.

Để chuẩn bị cho sự ra đời các nhà máy điện hạt nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cử cán bộ đi các nước đang chú trọng phát triển ĐHN như: Mỹ, Nhật Bản, Nga để học tập. Việc thành lập Ban quản lý Dự án điện hạt nhân tại Phan Rang - Tháp Chàm và việc giải tỏa đền bù tái định cư cho 2 nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận về cơ bản đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, các đàm phán về tài chính nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 đang khá thuận lợi. Việc thỏa thuận tài chính giữa Việt Nam và Nga về vốn đối ứng cho các dự án ĐHN Ninh Thuận 1 là 20% tổng mức đầu tư (khoảng 2 tỷ USD), với nhà máy Ninh Thuận 2, thỏa thuận tài chính  đang đàm phán, phía Nhật Bản đưa ra yêu cầu vốn đối ứng trong nước khoảng 30%.

Hiện nay, Hiệp hội cơ quan nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng rất ủng hộ việc xây dựng nhà máy ĐHN tại Việt Nam, vì đây là nhà máy điện nguyên tử hòa bình, không có tích lũy uranium và IAEA cũng sẽ đồng tình bảo vệ các dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 trước các hội nghị quốc tế.

Nguồn:icon.com.vn

 

Chia sẻ: