PECC2 hòa vào dòng chảy năng lượng sinh khối và ý chí “vượt dòng”

Ảnh: Internet

Khi rơm rạ, trấu đồng … được tái sinh thành năng lượng

Cách đây hơn 10 năm ở Việt Nam, trấu, rơm rạ, bã mía, v.v.. hoặc phải trôi dạt trên những con sông ô nhiễm hoặc chỉ được tận dụng tạm bợ vào một số mục đích, thì nay, chúng đang được xem là nguồn nhiên liệu tiềm năng để cho ra đời những dòng điện mới. Đặc biệt, gần đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó đưa ra quy định về giá mua điện sinh khối mới. Nhờ vậy, dòng chảy năng lượng từ sinh khối đã được khơi thông.

Các ví dụ điển hình về nguồn nguyên liệu sinh khối nói chung - Ảnh: Internet

Trước năm 2020, một số nhà máy điện sinh khối sử dụng bã mía ở miền Bắc (Tuyên Quang) và miền Trung (Phú Yên, Gia Lai…) đã đi vào vận hành, vừa cung cấp hơi, điện cho chính các nhà máy sản xuất đường vừa đấu nối vào lưới điện quốc gia. Ngay cả Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) vào năm 2017 cũng bắt tay vào nghiên cứu 5 nhà máy đường để lập báo cáo chuyên sâu phân tích đóng góp tiềm năng của năng lượng sinh khối (bã mía được sử dụng như đơn nhiên liệu hoặc kết hợp với các thành phần khác tạo ra đa nhiên liệu) vào sự phát triển của ngành điện ở Việt Nam. Còn nhà máy điện đốt trấu, rơm vẫn cứ mãi là một bài toán chưa có lời giải.

Dấn thân của PECC2 vào lĩnh vực điện sinh khối, cùng tạo sinh kế cho người dân

Bắt đầu tiếp cận các dự án điện sinh khối từ năm 2011 như điện trấu Hậu Giang, điện rác Cần Thơ, PECC2 đã làm việc với một số công ty nước ngoài tại Hong Kong, Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp sinh khối cho việc phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng mới mẻ cho Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu và nắm bắt tình hình thị trường, PECC2 đã tích cực xây dựng chiến lược để hòa vào dòng chảy sinh khối tại Việt Nam với chuỗi dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn nhiên liệu suốt đời sống dự án - một vấn đề đau đầu từng khiến cho chủ đầu tư dự án điện trấu Hậu Giang khi xưa phải gác lại kế hoạch của mình. Lúc này, PECC2 một lần nữa đeo đuổi giấc mơ điện sinh khối tại miền sông nước với quyết tâm “vượt dòng”!

Khi quay lại trạng thái “bình thường mới” sau mùa dịch Covid-19, đoàn kỹ sư trẻ tại Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện và Điện hạt nhân (PECC2) đã chủ động tổ chức thường xuyên những đợt khảo sát nguồn trấu và rơm rạ tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ từ cuối tháng 4/2020, nhằm nghiên cứu đánh giá những phương án thu gom, vận chuyển cũng như lưu trữ để đảm bảo vận hành nhà máy ổn định trong 25 năm. Quang Khải - một thành viên trong đoàn khảo sát chia sẻ, gặp được những người dân chất phác, thân thiện, chợt nhận ra họ cũng ấp ủ những hy vọng sinh kế với trấu, rơm rạ. Mặc dù người dân còn cảm thấy mới mẻ về dự án nhà máy điện sinh khối nhưng cũng đã truyền tai nhau một cách hứng thú về câu chuyện này mỗi khi đoàn đi từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Ảnh: Đoàn khảo sát sinh khối của PECC2 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (tháng 4/2020)

Học hỏi từ những tài liệu quý giá của GIZ, PECC2 đã tự xây dựng nên bộ cẩm nang phát triển điện sinh khối sử dụng trong nội bộ để điều phối các giai đoạn của dự án, duy trì sự kết nối giữa các bên liên quan, phát huy thế mạnh của PECC2 trong lĩnh vực tư vấn phát triển dự án, thực hiện hợp đồng EPC và quản lý vận hành nhà máy điện.

Thực tế, trong khi đánh giá lợi ích to lớn mà năng lượng sinh khối sẽ mang lại từ chuỗi dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long (như giảm phát thải khí nhà kính từ việc áp dụng công nghệ cao), PECC2 vẫn không quên nhìn nhận những hạn chế của nguồn nguyên liệu này. Do tính chất thu hoạch theo mùa vụ, sự cạnh tranh từ các nguồn tiêu thụ khác, giới hạn về điều kiện thu gom vận chuyển ở một số khu vực, PECC2 đã tìm tòi những giải pháp tạo ra một hệ sinh thái bền vững, chẳng hạn mô hình trồng cây tạo ra sinh khối... 

Cụ thể, việc hợp tác với các đơn vị như Tập đoàn Tín Thành (TTG), Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Năng lượng tái tạo Ninh Thuận (NITSA), v.v.. không những sẽ tạo ra dòng năng lượng sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn xúc tiến giải pháp phát triển các vùng nhiên liệu mới trên những vùng đất ít hiệu quả kinh tế.

Chúng ta có thể kết hợp với nguồn sinh khối hiện hữu để ổn định nguồn nhiên liệu cho dự án, qua đó tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp – điện,  mang lại hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi những vùng đất canh tác kém hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ, giúp người nông dân có thêm thu nhập, làm đòn bẩy cho nền kinh tế phát triển bền vững.

PECC2 đang thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp, chế tạo tại Mỹ, châu Âu để ứng dụng công nghệ cao cho các dự án điện sinh khối qua các công nghệ đốt trực tiếp, công nghệ hóa khí, công nghệ nhiệt phân, công nghệ hóa lỏng. Trong đó, đối với các công nghệ lò hơi đang được sử dụng trên thế giới như lò hơi tầng sôi, lò hơi đốt ghi và lò hơi sử dụng nhiên liệu phun, PECC2 đã và đang triển khai phân tích lựa chọn công nghệ phù hợp với từng loại nhiên liệu sử dụng cho mỗi nhà máy.

Với mục tiêu vận hành một dự án nhà máy điện sinh khối tại Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2021, tất cả các mảnh ghép cho bức tranh đang được PECC2 quyết tâm hoàn tất với ý chí vượt dòng trong lĩnh vực năng lượng này.

(1) – Lò hơi tầng sôi; (2) – Lò hơi phun; (3) – Lò hơi đốt ghi. Ảnh: Internet

 

Trên thế giới, khái niệm “biomass energy” thường hiểu đơn giản là năng lượng từ những thứ có sự sống (living things), và đa phần có nguồn gốc từ thực vật. Mặt khác, các dạng khác như chất thải rắn đô thị (Municipal Solid Waste –MSW), chất thải công nghiệp, chất thải động vật, v.v.. cũng được xem là nguồn nguyên liệu sinh khối; tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào các dạng dư lượng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long như trấu, rơm rạ, bã mía để tạo ra năng lượng sinh khối.

Thực hiện: Hồ Hữu Tâm

Tham khảo:

[1]: Turgeon, A & Morse, E (2012). Biomass energy. https://www.nationalgeographic.org/encyclopedia/biomass-energy/

Chia sẻ: