Dòng điện mới từ vùng quê Trà Vinh hòa vào lưới điện quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt cho ngành năng lượng nước ta, nhưng không phải ai cũng biết đến những khó khăn và thách thức mà dự án đã phải vượt qua để đi được đến đích cuối cùng. Với những chia sẻ sau đây của ông Đào Minh Hiển – Giám đốc tư vấn Chủ đầu tư của dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (NMNĐ DH3 MR), chúng ta sẽ phần nào hiểu được những gian nan ấy và cách mà các bên đã vượt qua.
Ông Đào Minh Hiển tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng
PV: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đã được cho phép đưa vào vận hành thương mại vào ngày 29/4 vừa qua. Việc phát điện thương mại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Minh Hiển: Việc phát điện thương mại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng với tổ máy 688MW (chiếm 4-5% công suất điện phụ tải cực đại miền Nam), là tổ máy lớn nhất trong hệ thống điện được đưa vào vận hành thương mại trong năm 2020 ở Việt Nam.
Nhà máy điện Duyên Hải 3 mở rộng được đưa vào vận hành còn mang nhiều ý nghĩa khác trong việc phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường vì sở hữu nhiều tính ưu việt so với các nhà máy nhiệt điện than truyền thống khác. Nhà máy sở hữu công nghệ siêu tới hạn hiện đại với hiệu suất cao, các trang thiết bị chính được sản xuất bởi các nước G7 như Mỹ, Nhật Bản. Các chỉ số phát thải môi trường của nhà máy đều có các giá trị rất tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.
PV: Để đạt được những dấu ấn quan trọng này, dự án đã trải qua những thách thức gì? Và các bên đã vượt qua những thách thức ấy như thế nào thưa ông?
Ông Đào Minh Hiển: Mặc dù tôi đã có cơ hội được tham gia vào một số dự án trước đó, nhưng đây là một trong những dự án gặp khá nhiều khó khăn và thách thức.
Thách thức trước hết là nhiều quy định mới được ban hành trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là Quyết định 25 của Cục Điều tiết Điện lực (QĐ25/QĐ-ĐTĐL) được ban hành vào năm 2019 về việc bổ sung thêm 20 thử nghiệm mới trước khi đưa nhà máy vào vận hành và Nghị định 40 của Chính phủ (NĐ40/CP-2019) ban hành vào năm 2019 về việc bổ sung các yêu cầu cần thực hiện để đảm bảo môi trường. Những quy định mới được ban hành có ảnh hưởng đến phạm vi công việc của dự án, vì vậy đơn vị tư vấn chúng tôi đã hỗ trợ Chủ đầu tư đàm phán với nhà thầu để thống nhất thực hiện.
Thách thức tiếp theo đó là sự cố cháy bộ hấp thụ trong hệ thống khử lưu huỳnh FGD của dự án vào năm 2018. Đây là sự cố không lường trước được của các bên, nên việc khắc phục cũng mất khá nhiều thời gian.
Ngoài ra còn những thách thức không nhỏ liên quan đến một số vấn đề phát sinh về kỹ thuật, có nhà cung cấp thiết bị phá sản trong khi việc sản xuất sắp hoàn thành, thay đổi nhân sự chủ chốt tham gia dự án, thay đổi thiết kế khi công việc lắp đặt sắp hoàn thành cũng như những khó khăn trong việc thuyết phục các nhà thầu thay đổi và điều chỉnh thiết kế theo hợp đồng đã dẫn đến việc khắc phục cũng mất khá nhiều thời gian, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, dự án cũng gặp những khó khăn khác về con người, như thiếu nhân sự trong giai đoạn thế giới bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn như vậy, nhưng với sự quyết tâm và tinh thần hợp tác, hỗ trợ, các bên đã làm việc với nhau và tìm ra giải pháp giải quyết cho từng vấn đề cụ thể để có được kết quả như ngày hôm nay.
PV: Những cái “được” lớn nhất của PECC2 khi tham gia dự án này là gì thưa ông?
Ông Đào Minh Hiển: Đối với dự này, các kỹ sư của PECC2 đã có cơ hội được tham gia sâu hơn vào các quá trình thiết kế, trao đổi, thảo luận các vấn đề kỹ thuật với Tổng thầu Sumitomo, hỗ trợ xử lý và đưa ra các giải pháp phù hợp. Có nhiều ý tưởng của PECC2 rất được họ hoan nghênh và ủng hộ, tạo ra các hiệu ứng tích cực.
Do cách tổ chức của nhà thầu trong dự án còn bộc lộ nhiều vấn đề nên chúng tôi có thể nhìn thấy, nắm được, học hỏi từ các khó khăn đó đồng thời cũng hỗ trợ cho họ được tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đúc kết nhiều kinh nghiệm qua quá trình làm việc, trao đổi với các nhà thầu phụ của dự án.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiểu thêm về cách các nhà thầu thiết kế và quản lý dự án thông qua các phần mềm rất hay mà họ sử dụng. Một cái được khác nữa là ngoại ngữ. Các nhà thầu của dự án là các nhà thầu Nhật và Mỹ sử dụng tiếng Anh để làm việc, các kỹ sư trẻ của PECC2 có cơ hội trau dồi tiếng Anh thực tế.
Theo tôi những điều trên là những cái được lớn nhất của PECC2 khi tham gia dự án.
PV: Với vai trò giám đốc dự án, điều ông có cảm xúc sâu sắc nhất khi đồng hành cùng với dự án quan trọng này là gì?
Ông Đào Minh Hiển: Một trong những cảm xúc mà tôi nhớ nhất là khi có sự cố cháy bộ hấp thụ trong hệ thống khử lưu huỳnh của dự án vào năm 2018. Điều khiến tôi lo lắng nhất lúc ấy là xảy ra thương vong về người. Khi sự cố xảy ra, tất cả các nhà thầu, ban A và tư vấn chúng tôi đều hồi hộp rà soát hết lực lượng nhân công, không thấy có sự thiếu vắng nào thì lúc đó anh em mới thở phào nhẹ nhõm.
Lãnh đạo PECC2 cùng các anh em kỹ sư tại công trình
Gần hai năm sau sự cố ấy, không khí công trường lại bắt đầu nặng nề khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và lây lan mạnh mẽ. Đấy là thời điểm lệnh phong tỏa ở Việt Nam và các nước trên thế giới bắt đầu có hiệu lực vì COVID-19, các nhà thầu đã có hai lần gửi văn bản đề nghị xem xét khả năng dừng dự án do thiếu nhân công trong khi thời điểm cái đích của dự án chỉ còn cách đích đến một khoảng thời gian rất ngắn 20 ngày. Thời điểm đó bất kì chuyên gia hay công dân nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày nên tình hình nhân lực tham gia dự án là đặc biệt khó khăn, đó là chưa kể kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là có trường hợp bị nhiễm virus COVID-19 dến đến phải cách ly cả nhóm dự án. Những điều này làm cho tôi và các anh em rất lo lắng và hồi hộp. Bản chất là tổ máy đã chạy tốt rồi nhưng thực hiện chạy thử thách vẫn chưa xong, trở ngại xuất hiện khi chỉ còn cách đích một bước chân nữa thôi. Do các chuyên gia nước ngoài đã về nước vì đại dịch, các anh em kỹ sư PECC2 trong giai đoạn này gần như phải thực hiện hết các công việc còn lại của dự án. Lãnh đạo PECC2 cũng rất quan tâm, theo dõi sát sao và chỉ đạo nhóm dự án. Nỗ lực cao nhất của các bên (trong đó có PECC2) đã được đền đáp, cuối cùng nhà máy đã hoàn thành nhiệm vụ thử thách, nghiệm thu thành công. Và đó cũng là lúc tất cả mọi người được giải tỏa tâm lý, các anh em kỹ sư PECC2 thì có cảm giác “Sắp được về nhà rồi!”.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!
Thực hiện: Nguyễn Đỗ Yến Nhi