ASEAN có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh nhiên liệu hoá thạch?

Hoạt động khai thác than ở Đông Kutai, Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Ivan

ASEAN giữa ngã ba đường lựa chọn cho ngành năng lượng

Các quốc gia trong khối ASEAN đã cam kết đảm bảo quyền được sử dụng điện cho mọi người dân vào đầu những năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, các quốc gia trong khối ASEAN sẽ cần tăng nguồn cung năng lượng khoảng 60% vào khoảng năm 2040. Wood Mackenzie, một công ty nghiên cứu năng lượng, đã ước tính: các quốc gia ASEAN sẽ cần đầu tư 17 tỷ USD mỗi năm cho mục tiêu phát triển nguồn cung năng lượng đến toàn bộ người dân.


Nguồn: Trung tâm năng lượng ASEAN

ASEAN hiện đang phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên cho phần lớn nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong khối. Cả khối có khoảng 42% năng lượng là từ các nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi.

Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh, các quốc gia trong khối ASEAN đang chuyển sang dùng nguyên liệu đốt từ than. Các nhà máy nhiệt điện đốt than cung cấp một nguồn điện năng chi phí thấp. Theo Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2016-2025, than đá dự kiến sẽ đáp ứng 40% nguồn cung năng lượng cho đến năm 2040. Tỷ lệ nhập khẩu năng lượng của các quốc gia trong khối ASEAN cũng chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đốt từ than. Ngành công nghiệp năng lượng Nhật Bản, một nhà nhập khẩu chính của khu vực, đã gia tăng sự phụ thuộc vào than kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Sự lệ thuộc gia tăng đối với nguyên liệu đốt từ than đã đặt khối ASEAN giữa ngã ba đường. Hiện tại, ASEAN chưa đủ khả năng để dựa vào các nguồn năng lượng thay thế khác, thân thiện môi trường hơn. Chi phí cho nguồn năng lượng gió và mặt trời cao hơn khoảng 29% so với năng lượng từ quá trình đốt than. Tuy nhiên, sản xuất điện năng từ quá trình đốt than sẽ phát sinh các chi phí riêng. Nếu tất cả các dự án điện đốt than được triển khai theo kế hoạch của các quốc gia ASEAN thì vào năm 2030, ước tính 70.000 người trong khu vực sẽ chịu ảnh hưởng về các biến chứng sức khỏe do khí thải từ nhà máy đốt than.

Tại Hội nghị Bộ trưởng về Năng lượng năm 2018, ASEAN + 3 (gồm thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã đổi mới cam kết ASEAN đối với nhiệt điện đốt than. Nhu cầu sản xuất điện năng từ than dự kiến sẽ vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2035.

Wood Mackenzie ước tính rằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ phải đợi đến những năm 2040 để dẫn đầu công suất phát điện của khu vực. Các quốc gia ASEAN sẽ chờ đến khi chi phí từ năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với than mới thực hiện chuyển dịch năng lượng.

 

 Nhu cầu tiêu thụ than của các nước ASEAN trong giai đoạn 2000 – 2018 (triệu tấn)

(Nguồn: Tầm nhìn năng lượng BP)

ASEAN có nghĩa vụ giảm thiểu tác động môi trường do hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than

Hiện nay, 86% các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực ASEAN áp dụng công nghệ nhiệt điện cận tới hạn, là công nghệ hiệu suất thấp, tạo ra lượng phát thải cao và chưa kết hợp các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Khi ASEAN mở rộng công suất phát điện từ nhiệt điện than, cần thiết phải áp dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), siêu siêu tới hạn (USC), và công nghệ siêu siêu tới hạn cải tiến (AUSC) trong danh mục đầu tư năng lượng của mỗi quốc gia. Các nhà máy điện sử dụng công nghệ hiệu suất cao, phát thải thấp này (hay còn gọi là công nghệ HELE) đốt than ở nhiệt độ và áp suất cao hơn nhiều để vừa giảm thiểu ô nhiễm vừa sản xuất điện hiệu quả hơn so với công nghệ cận tới hạn.

Tính đến năm 2018, Malaysia là quốc gia ASEAN duy nhất có các nhà máy điện có phát thải thấp và hiệu quả cao (HELE). Nước này cũng đã cam kết áp dụng công nghệ USC trong các dự án nhiệt điện than bổ sung. Các dự án nhiệt điện của Thái Lan được bổ sung gần đây cũng chỉ giới hạn ở công nghệ SC.

Việc áp dụng công nghệ nhiệt điện đốt than có phát thải thấp và hiệu quả cao (HELE) đã cho phép Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU theo đuổi các chính sách chất lượng không khí khắt khe hơn, trong khi vẫn duy trì việc đưa than vào danh mục đầu tư năng lượng của họ.


So sánh các tiêu chuẩn các chất ô nhiễm không khí giữa các nhà máy nhiệt điện đốt than (mg/m3) 

(Nguồn: Trung tâm năng lượng ASEAN)

Các công nghệ HELE không chỉ góp phần giảm phát sinh khí thải, chúng còn tạo ra hiệu quả tài chính cao hơn trong dài hạn nhờ có hiệu suất cao hơn. Hiệu suất cao hơn nghĩa là cần ít than hơn để tạo ra cùng một sản lượng điện, do đó giảm chi phí vận hành. Các tổ máy cận tới hạn có chi phí vận hành cao gấp hai đến ba lần so với các tổ máy siêu tới hạn.

Trong khi Malaysia và Thái Lan đang dần triển khai áp dụng công nghệ HELE, các quốc gia khác trong khối vẫn miễn cưỡng thực hiện quá trình chuyển đổi.

Một chiếc máy ủi đẩy than Indonesia trong nhà máy điện Ljubljana. Ảnh: Petar Milosevic

Với Indonesia, ngay cả khi chính phủ đã đưa ra các cam kết cụ thể về việc giảm khí thải, họ vẫn chưa thể tuân thủ theo các cam kết. Chẳng hạn, chính phủ đã công bố kế hoạch sử dụng khoảng 23% nguồn cung từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Tuy nhiên, Indonesia vẫn duy trì trợ cấp cho nhiệt điện than và chưa thực hiện nhiều chính sách/ biện pháp để giảm chi phí năng lượng gió và mặt trời.

Các cuộc tranh luận về phát thải vẫn kéo dài. Các quốc gia đang phát triển phải lựa chọn giữa việc theo đuổi củng cố an ninh năng lượng hoặc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ASEAN có thể theo đuổi tham vọng phát triển năng lượng của mình, đồng thời vẫn duy trì các nỗ lực để giảm thiểu tác động môi trường. Cho đến khi các nguồn năng lượng tái tạo có hiệu quả kinh tế, chính phủ các nước ASEAN nên tận dụng các cơ hội để phát triển công nghệ nhiệt điện đốt than thân thiện môi trường hơn.

Việc thành lập một Trung tâm than sạch của khu vực ASEAN cũng có thể sẽ giúp ASEAN chuyển đổi sang các công nghệ nhiệt điện đốt than thân thiện môi trường hơn, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

Dịch: Lê Hồng Ngọc, theo Oliver Ward

Bài viết được dịch từ bản gốc tiếng Anh: “Cleaning up a dirty industry: ASEAN is becoming more dependent on coal but it has an obligation to mitigate its environmental impact”. Link: https://www.aseantoday.com/2019/10/cleaning-up-a-dirty-industry-asean-is-becoming-more-dependent-on-coal-but-it-has-an-obligation-to-mitigate-its-environmental-impact/

Chia sẻ: