Cháy mãi cùng tinh thần Nhiệt điện!

Nơi đâu có ý chí, ở đó có con đường

Khi được cử tiên phong thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu than, dầu, khí đốt … tại miền Nam Việt Nam trong thập kỷ 90, dù khá hồi hộp lo lắng khi bắt tay vào đề án Luận chứng kinh tế kỹ thuật đầu tiên cho lĩnh vực này rồi tiếp đến Báo cáo nghiên cứu khả thi lựa chọn công nghệ cho dự án Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp (TBK CTHH) Phú Mỹ 1, những người trẻ thời ấy đã mang tâm thế không ngại khó, không quản gian nan để đi khảo sát phân tích chọn lựa địa điểm cũng như xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển nhiệt điện nơi đây. Điều này luôn thôi thúc các kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Tài Anh, … tiếp tục dẫn dắt TNĐ tự tin từng bước tham gia toàn bộ các giai đoạn tư vấn cho Nhà máy điện TBK CTHH Phú Mỹ 4, dự án ghi lại dấu ấn PECC2 trên con đường tư vấn chính chuyên nghiệp ở Việt Nam. Sau đó, các bậc đàn anh giao cho thế hệ tiếp nối đảm nhận những vai trò tư vấn khác nhau cho nhiều dự án tại các Trung tâm Điện lực (TTĐL) Nhơn Trạch, Cà Mau & Ô Môn. Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài như các chuyên gia Matt Reilly, Paul O’Duffy, v.v.. từ Công ty ESB International (Ireland) làm việc trong giai đoạn 1995 - 2010 cũng đã đánh giá cao tinh thần học hỏi và hăng say của từng thế hệ ở TNĐ.

Bảo vệ F/S Nhiệt điện miền Nam (1993)

Trên công trường nhà máy Phú Mỹ 2.1 năm 1996 cùng chuyên gia ESBI

Những chuyến đi tiếp nối

Còn nhớ những năm 2005-2007 háo hức đi khắp các tỉnh ven biển từ Nam Trung Bộ cho tới tỉnh Cà Mau, sang đến nước bạn tìm cách tiếp cận đối với lĩnh vực nhiệt điện than có quy mô lớn từ 600MW trở lên – thời điểm này, các nhà máy điện đốt than tại miền Bắc có công suất cao nhất là 300MW – các kỹ sư Nguyễn Chơn Hùng, Nguyễn Hải Phú, Nguyễn Nhân Bảo và nhiều thành viên trẻ trong các phòng ban của TNĐ mạnh dạn làm nghiên cứu quy hoạch địa điểm xây dựng các Trung tâm Điện lực với tổng công suất lên đến 25.000MW lần đầu ở miền Nam. Vẫn là những trăn trở biến lý thuyết thành thực tế, mang giải pháp từ nước ngoài về ứng dụng tại miền Nam nhưng phải có tư duy hệ thống, cam kết môi trường. Hơn nữa, nhiều hệ thống trong nhà máy nhiệt điện than phức tạp hơn so với nhà máy nhiệt điện khí. Lúc này họ nhận ra phải quyết tâm lăn xả để từ đó, TTĐL Vĩnh Tân, Duyên Hải mới có thể góp phần thắp sáng đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và không những thế còn là tiền đề cho việc chạm tới ước mơ thiết kế EPC.

Trung tâm điện lực Phú Mỹ, cái nôi trưởng thành của các thế hệ TNĐ

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn

Lãnh đạo và các kỹ sư PECC2 trao đổi công việc trên công trường Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2

TNĐ trong Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập PECC2 với niềm tin hướng đến tương lai – cùng thời gian này, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng EPC và triển khai thực hiện phê duyệt thiết kế, giám sát thi công

“Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”

Thế giới luôn có sự chuyển động, thay đổi không ngừng và PECC2 cũng không là một ngoại lệ. Khi nhận thấy cơ hội lần đầu tham gia thiết kế và quản lý dự án EPC một dự án nhà máy điện cùng các thành viên Nhật-Hàn vào năm 2012, Tổng Giám đốc Nguyễn Chơn Hùng đã đồng hành cùng các kỹ sư, chuyên viên TNĐ dấn thân vào những buổi chất vấn của đối tác về năng lực, những lần ra quyết định “đánh hay không đánh” và cả những cuộc đàm phán cân não, có lúc phải thức đến 1, 2 giờ sáng trong 3 ngày liên tiếp. Để rồi 5 năm đi theo các dự án EPC Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng thực sự cho TNĐ nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá. Có những lúc tưởng như đã quá sức mình, không kiểm soát được những thay đổi chóng mặt, sự cố bất ngờ, áp lực căng thẳng đến từ chính sự nghiêm khắc và yêu cầu rất cao về mặt chất lượng và tiến độ, những người kỹ sư, chuyên viên của nhóm dự án thuộc TNĐ buộc phải tự ngẫm lại tại sao từ đầu mình đã dám nhận thì sẽ dám làm đến cùng. Nhờ đó, một loạt dự án điện mặt trời (ĐMT) đầu tiên của PECC2 như ĐMT TTĐL Vĩnh Tân, ĐMT Vĩnh Tân 2, ĐMT Sơn Mỹ 3.1, ĐMT Ninh Phước 6.1&6.2 khi bước vào giai đoạn thực hiện hợp đồng EPC cũng mang đến công trường những khối óc kiên định với mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ trước tháng 6/2019.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

Toàn cảnh Trung tâm Điện lực Duyên Hải 2018

Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng ghi dấu ấn PECC2 lần đầu tiên
tham gia thực hiện dự án EPC

Hành trình của ước mơ khi trưởng thành

Tinh thần đương đầu với thử thách và những điều mới mẻ như dòng huyết mạch được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Người xưa một số nay đã không còn, một số đang đảm nhận trọng trách cấp cao, một số quay lại hướng dẫn đào tạo cho lớp trẻ, đến cuối cùng vẫn mong muốn TNĐ ngày càng tiến lên, gặt hái được những thành tựu cho riêng mình. Họ là nguồn cảm hứng, động viên lớp trẻ làm những điều chưa ai nghĩ tới.

Có thể nói, qua bao nhiêu xuân hạ thu đông, vẫn có một Nhiệt điện hội ngộ những trái tim cùng chí hướng. Đối với TNĐ, cảm giác vượt qua được chính mình trong rất nhiều lần đầu như thế được xem là kim chỉ nam để thực hiện được ước mơ tuổi trẻ.

Những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết năm xưa nay đều trưởng thành vượt bậc

Tập thể TNĐ năm 2015

Sức trẻ tại TNĐ 2020

Làm tới nơi, chơi tới bến – Ocenami (Long Hải) 2019

Đặc biệt, khi trưởng thành, cần nhiều hơn sự dấn thân và dũng cảm để có thể luôn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi: 'Nếu hôm nay là ngày cuối trong đời mình, liệu mình có muốn làm những việc như hôm nay?' Và liên tiếp là những câu trả lời 'Không'. Tôi nhận ra mình cần thay đổi'. (Steve Jobs)

 

Thực hiện: Bùi Hải Yến

Chia sẻ: