“Trông trời, trông đất, trông mây…”
Điện gió ngoài khơi thuộc nhóm dự án có các yêu cầu về thiết kế và thi công phức tạp nhất (tính đến thời điểm năm 2020, toàn quốc chỉ có một dự án điện gió ngoài khơi Bạc Liêu với quy mô công suất lắp đặt 99MW được đưa vào vận hành). Dự án điện gió lớn tiếp theo chính là dự án Nhà máy Điện gió Tân Thuận GĐ1 và GĐ2, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Cà Mau. Nhà máy Điện gió Tân Thuận được xây dựng trên khu vực biển có diện tích hơn 2000 ha thuộc xã Tân Thuận, Huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, với tổng công suất 75MW gồm 18 trụ tua bin, dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào quý III năm 2021.
Trong điều kiện dịch bệnh cùng điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình phức tạp, việc kịp tiến độ vận hành trên là một nỗ lực vượt mình của đội ngũ PECC2.
Ngay từ vị trí lắp đặt thiết bị của dự án cũng là một thử thách. Khu vực tiếp bờ của dự án phần lớn là rừng phòng hộ, giáp bờ sông, vì thế vị trí được phép đặt trạm biến áp 110kV Tân Thuận chịu ảnh hưởng mạnh do thủy triều. Chiều sâu lòng sông lớn, lưu lượng tàu bè qua lại nhiều, sóng lớn va đập dữ dội thường gây ra sạt lở nghiêm trọng. Vì khu vực trạm cũng không được kết nối với giao thông đường bộ nên việc tiếp cận trạm biến áp 110kV Tân Thuận chủ yếu bằng đường thủy. Ảnh hưởng của dòng chảy xả của các vuông tôm cũng tác động làm xói lở chân taluy của nền trạm, do đó công tác thiết kế phải được hiệu chỉnh cho tương thích.
Hình 1. Dòng nước thoát làm xói lở chân taluy của nền trạm. Nguồn: PECC2
Công tác xây dựng phần móng trụ trên biển trong thời gian vừa qua còn phải đối mặt với các bất lợi về thời tiết. Năm 2020, các cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung. Khu vực bờ biển Cà Mau cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng, điều này tác động nghiêm trọng tới các mốc tiến độ trong hợp đồng thỏa thuận với Chủ đầu tư.
Trong mùa biển động, công tác đóng cọc thử, cọc đại trà, công tác thép, đổ bê tông đài cọc… liên tục bị ngắt quãng. Có những ngày, đội ngũ anh em PECC2 chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị và cả tinh thần hăng hái đưa xà lan đến vị trí trụ, rồi trời đột ngột trở gió, biển động mạnh, anh em lại được lệnh… kéo xà lan vào chờ.
Hình 2. Móng của các trụ tua bin gió. Nguồn: PECC2
Đồng lòng cho từng tiến bộ nhỏ
Những bất lợi về điều kiện tự nhiên và sự thay đổi khó lường của thời tiết đã tạo nên những thử thách không nhỏ. Song, với kinh nghiệm và sức trẻ vốn có của PECC2 cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Công ty, hàng loạt các phương án khắc phục đã được đề xuất, thảo luận.
Hình 3. Sử dụng rọ đá kết hợp cừ ván bê tông gia cố phần nền móng trạm biến áp. Nguồn: PECC2
Mặc dù bị động về mặt thời tiết nhưng để chủ động thời gian, anh em công nhân, kỹ sư PECC2 đã đảm bảo đầy đủ vật tư thiết bị, “canh” các bản tin thời tiết, chỉ cần biển lặng là lao vào làm việc bất kể ngày đêm.
Tính đến thời điểm cuối tháng 12, PECC2 đã hoàn thành xong phần nền trạm và chân taluy, công tác đắp đất san nền đạt 52% trên tổng diện tích phần trạm biến áp 9000m2. Về công tác thi công nền móng trụ tua bin gió, PECC2 đã hoàn thành đóng cọc GĐ1 và 80% GĐ2. Công tác thi công đài móng bê tông cũng đã hoàn thành 47% đối với GĐ1 và 10% đối với GĐ2.
Hình 4. San nền trạm biến áp. Nguồn: PECC2
Hình 5. Đóng cọc phần móng trụ tuabin. Nguồn: PECC2
Hình 6. Thi công cốt thép móng trụ tua bin. Nguồn: PECC2
Hình 7. Gia cố phần thép móng trụ tua bin. Nguồn: PECC2
Hình 8. Đổ bê tông móng trụ tuabin. Nguồn: PECC2
Những ngày cuối năm 2020, trước mắt là kỳ nghỉ lễ, nhưng không khí tại công trường vẫn rất khẩn trương, khí thế. Anh em PECC2 quyết tâm làm việc xuyên Tết tại công trường để đảm bảo đưa dự án vào vận hành năm 2021, họ ý thức được rằng đây chính là cơ hội và trách nhiệm của mình.
Thực hiện: Vũ Hùng Hải