Ảnh: Ông Phạm Văn Luyện cùng đồng nghiệp khảo sát trên biển
Đến với PECC2 nhờ kinh nghiệm… chữa bệnh sốt rét!
Những năm 70, chàng thanh niên Phạm Văn Luyện ngày ấy vừa hoàn tất sách đèn phổ thông ở quê nhà Hải Dương thì gặp ngay lời kêu gọi nhập ngũ giữa chiến tranh biên giới. Để thực hiện nghĩa vụ công dân mà vẫn được tiếp tục đi học, ông đăng ký vào Đại học Quân Y tại Hà Đông. Sau sáu năm học y, một năm học tiếng Khơ-me ở Sài Gòn, cuối năm 1985, ông được điều động sang chiến trường Campuchia.
Cuối năm 1988, sau khi rời khỏi cuộc chiến, ông có duyên trở lại nghề y khi bệnh sốt rét lúc ấy hoành hành hầu hết các tỉnh vùng núi, trung du và đồng bằng ven biển. Và PECC2 đang cần tìm một bác sĩ có kinh nghiệm chữa sốt rét cho người lao động tại các công trường. Với kinh nghiệm chữa bệnh sốt rét tại chiến trường, ông nhanh chóng được nhận vào công ty. Ngày 15/12/1988, ông chính thức là nhân viên của PECC2 và sau đó tiếp quản trạm xá ở Bảo Lộc, phục vụ cho dự án Thủy Điện Hàm Thuận Đa Mi, với 12 giường bệnh. Như cá gặp nước, chuyên môn của ông được phát huy tối đa tại đây. Cùng với một y sĩ, một y tá và một hộ lý, ông đã đảm bảo sức khỏe tốt cho tất cả công nhân, kỹ sư tại dự án Hàm Thuận Đa Mi lúc bấy giờ, không để một trường hợp sốt rét ác tính nào xảy ra.
Từ cái ngày gắn bó với người PECC2 ở vai trò thầy thuốc, đến nay, hành trình ông đi với PECC2 đã là hơn 3 thập kỷ vui buồn.
Người đồng nghiệp với… 13 chức danh
Anh Lê Hồng Sông, kỹ sư phòng Kế hoạch Xí nghiệp Khảo sát (XNKS), đồng nghiệp làm việc hơn 15 năm cùng vị thầy thuốc này đã nêu cảm nhận về ông qua ba từ: Xông xáo, hiểu biết và uy tín.
Các dự án khảo sát thường ở xa tận trong rừng sâu, địa hình hiểm trở, tuy vậy, ông vẫn không quản ngại đồng hành cùng anh em công nhân, kỹ sư. Có những hôm đi khảo sát về, vừa tới khách sạn, bước xuống xe, ông đã ngã luôn tại chỗ, chân mỏi đến mức không nhấc lên được. Và cũng không biết bao nhiêu lần, để cứu anh em trong những tình huống sức khoẻ khẩn cấp, ông đi tìm bằng được từng viên thuốc chữa rắn cắn. Chuyện sức khoẻ anh em trong những chuyến công tác khắc nghiệt đã luôn là niềm trăn trở của ông. Sau 12 năm gắn bó với trạm xá ở Bảo Lộc, ông trở về văn phòng XNKS giữ trách nhiệm Phó phòng Hành chính. Tuy nhiên, cứ có điểm nóng bệnh tật nào ở các công trường là lại có mặt ông ở đó.
Ông cười kể: “Có thời điểm mình giữ tới… 13 chức vụ ở trong công ty, từ Bí thư Đảng bộ của bộ phận, Chủ tịch Công đoàn, Ban Khen thưởng đến Ban An toàn Lao động, điều hành xe, bảo vệ…”. Từ sức khỏe đến chuyện hiếu hỷ của người lao động, nhiều việc vẫn đến tay ông. Ông nhắc đi nhắc lại: “Cuối năm dù bận gì đi nữa, trước 31/12 là phải sẵn sàng các cuốn lịch để tặng cho các cụ hưu trí”. Đồng nghiệp kể cứ mỗi lần đi thăm công trình, tối hôm trước đó, ông sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng từng phần ăn, từng bó hoa một, không thiếu một phần nào…
Kỷ luật quân đội dạy ông ăn uống đúng bữa, ngủ đúng giờ, nhưng khi tiếp xúc với anh em công nhân khảo sát, chứng kiến cảnh họ ăn uống thất thường, tối tối thỉnh thoảng lại mượn chén rượu để quên đi nỗi nhớ nhà, dần ông cũng hiểu, thương luôn cái tính chịu thương chịu khó của anh em. Ông chỉ luôn canh cánh nỗi niềm, mong sao anh em sau những ngày tháng lăn lộn công trường, khi có cơ hội, phải học ngay, học để nâng cao kiến thức, đáp ứng khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao.
Ảnh: Ông Phạm Văn Luyện thăm hỏi và tặng quà đồng nghiệp vừa mổ tim
Khi tình cảm lớn hơn mọi huy chương, giải thưởng
Vị thầy thuốc thừa nhận thời gian đầu xin vào PECC2 làm là để có thêm thời gian… tìm công việc khác, nhưng cũng không biết từ bao giờ, suy nghĩ đó biến mất. Cuộc đời ông gắn với Công ty khi nào không hay.
Các đồng nghiệp hay nói đùa, ngôi nhà ông đang ở là nhà của PECC2. Ông gật gù kể: “Mảnh đất đó mình mua được bằng tiền bán nhà lưu trú Công ty cấp, tiền xây nhà là tiền mình bán cổ phiếu TV2 mà mình mua được với giá ưu đãi …”. Với 32 năm gắn bó cùng PECC2, ông nhận được không ít huy chương, giải thưởng của Nhà nước, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhưng điều mà ông thường nhắc đến một cách đầy xúc động là tình cảm của anh chị em lẫn Ban lãnh đạo PECC2 dành cho ông, ở bên ông những lúc gia đình hữu sự.
Vinh dự nhận nhiều ghi nhận cho sự cống hiến trong suốt quá trình công tác, nhưng với người thầy thuốc Phạm Văn Luyện, phần thưởng lớn nhất là tình cảm của Người PECC2
Hết tháng 8 năm nay cũng là lúc người thầy thuốc chính thức nghỉ hưu, trong ông vẫn còn đó trăn trở về những người tiếp nối công việc mình đã làm, về công tác quy hoạch cán bộ ở xí nghiệp, nhưng ông vẫn luôn có một niềm tin rằng đội ngũ XNKS sẽ tốt lên qua thời gian, công việc ở XNKS sẽ có những bước chuyển mình quan trọng trong thời gian tới.
Thực hiện: Võ Đức Gioang