TV2 với dự án Cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên – Phú Quốc

Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 593,05 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km.

Nhằm nâng cao độ tin cậy, tăng khả năng cung cấp nguồn điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực, Phú Quốc sẽ được cung cấp điện ổn định từ hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện 110kV, phù hợp với quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia và các chủ trương phát triển kinh tế của Phú Quốc. Năm 2007, EVN/EVNSPC triển khai công tác chuẩn bị cho dự án cấp điện ra đảo Phú Quốc.

Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2) là đơn vị tư vấn xây dựng điện có nhiều kinh nghiệm đã được tham gia vào quá trình này từ đầu. Với nỗ lực tiên phong trong các lãnh vực tư vấn chuyên ngành, các kỹ sư của TV2 luôn được lãnh đạo Công ty tạo điều kiện nghiên cứu và tiếp cận các lãnh vực mới mẻ. Ngay sau khi có thông tin về việc triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc, các chuyến công tác nước ngoài để tìm hiểu công nghệ và thi công lắp đặt cáp ngầm biển đã được TV2 tiến hành. Các cố gắng của TV2 đã được EVN, EVNSPC ghi nhận và TV2 vinh dự là nhà thầu chính cho công tác lập dự án đầu tư xây dựng công trình Cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên – Phú Quốc mới mẻ và có chiều dài lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại.

Đây là một dự án lưới điện rất lớn, có tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng với công nghệ phức tạp và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Nghiên cứu và lập dự án đầu tư cho dự án là một quá trình khó khăn và kéo dài, mãi đến tháng 01/2011 dự án đầu tư xây dựng công trình mới chính thức được phê duyệt.

Thiết kế công trình cáp ngầm biển là một công tác hoàn toàn mới đối với nước ta đến thời điểm lập dự án. Việc khảo sát, chọn tuyến cáp cũng như thiết kế cáp và thi công lắp đặt có những tiêu chí khác hẳn các đường dây tải điện truyền thống trên bờ. Chính vì thế công việc của kỹ sư thiết kế rất nặng nề, từ việc xây dựng tiêu chí và nghiên cứu sơ bộ việc chọn tuyến với việc lập báo cáo sơ bộ ban đầu (DTS – Desktop Study) và viết yêu cầu khảo sát để thu thập số liệu phục vụ thiết kế. Công tác khảo sát thu thập số liệu tuyến cáp phục vụ thiết kế với các phương pháp khảo sát biển lần đầu tiên sử dụng cho ngành điện như: đo sâu hồi chùm tia đơn, quét ảnh bề mặt đáy biển, đo mặt cắt địa chấn nông… Các kỹ sư của Trung tâm Tư vấn Lưới điện TV2 (TLĐ) đã tìm hiểu, viết yêu cầu khảo sát phù hợp và đã phối hợp với tư vấn phụ Fugro Survey Pte. Ltd – Singapore thực hiện khảo sát thành công tuyến cáp.

Vào thời điểm lập dự án, hàng loạt các phương án được đưa ra như sử dụng cáp ngầm 1 mạch hay 2 mạch, cáp 1 lõi hay 3 lõi, cáp lõi nhôm hay lõi đồng, sử dụng công nghệ HVDC hay AC truyền thống, cấp điện áp 110kV hay 220kV, cáp liền một sợi hay nhiều đoạn có mối nối… Các kỹ sư TV2 đã liên tục tìm hiểu thông tin, cập nhật các công nghệ mới nhất, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của công ty EsGrit Marketing & Engineering Pte. Ltd. để nắm bắt những thiết kế tiên tiến nhất về cấu trúc cáp ngầm xuyên biển. Qua nhiều tính toán, phân tích và so sánh, TV2 đã tư vấn cho Chủ đầu tư lựa chọn phương án tối ưu về kinh tế và kỹ thuật là sử dụng 1 mạch cáp đồng 3 lõi không có mối nối suốt 60km với cấp điện áp xoay chiều 110kV. Với phương án này, tuyến cáp ngầm xuyên biển đảm bảo cung cấp điện ổn định và tin cậy, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho huyện đảo Phú Quốc đến giai đoạn 2021-2025.

Khó khăn tiếp theo của dự án là việc lắp đặt cáp dưới đáy biển sẽ như thế nào. Hiện tại trong nước chưa có đơn vị nào có kinh nghiệm về việc lắp đặt và chôn cáp điện cao thế dưới đáy biển. Do đó, các kỹ sư TV2 lại tiếp tục tìm hiểu các phương pháp thi công cáp ngầm từ các nước phát triển trên thế giới. Tiêu chí của việc lựa chọn là phương pháp thi công phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và phù hợp với địa hình địa chất trên tuyến. Được sự hỗ trợ của Hitachi Cable Asia Pacific (HCAP) Pte. Ltd., TV2 đã lựa chọn phương án rải cáp và chôn cáp đồng thời trên phần lớn tuyến, và tại các khu vực tiếp bờ sẽ đào rãnh trước, chôn cáp sau. Việc lắp đặt này sẽ được thi công bởi nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm trong việc thi công lắp đặt cáp ngầm xuyên biển, tuy nhiên, các đơn vị trong nước sẽ được tham gia để học hỏi tích lũy kinh nghiệm cho các công trình cáp ngầm biển về sau.

Sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt, TV2 tiếp tục được giao lập hồ sơ mời thầu EPC cho dự án. Công ty Prysmian Powerlink - Italy là nhà thầu chính thi công tuyến cáp ngầm này. Tài liệu do TV2 lập trong giai đoạn trước được Prysmian Powerlink làm cơ sở cho việc thực hiện dự án và họ đã đánh giá rất cao tài liệu chúng ta đã lập. Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tuyến cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc là kết quả của hơn 5 năm kiên trì chuẩn bị, từ việc thu xếp để có nguồn vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp ở cấp điện áp cao, phương án hướng tuyến hợp lý, đến việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín.

Những ngày này, nhà thầu Prysmian Powerlink và Thái Dương đang gấp rút thi công lắp đặt cáp trên vùng biển Hà Tiên – Phú Quốc, dự kiến lưới điện trên đảo Phú Quốc sẽ hòa vào lưới điện quốc gia trước Tết Giáp Ngọ 2014. Dõi theo từng diễn biến của dự án, TV2 rất vui mừng khi nhận thấy công trình sắp hoàn thành và chắc chắn sẽ đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục và ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên đảo, đưa Phú Quốc phát triển thành đặc khu kinh tế - hành chính, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm giao thương của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Dưới đây là một số hình ảnh trong ngày khởi công Cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên – Phú Quốc:

Những kiểm nghiệm thực tế công trường

                                                                                       

Xà lan cáp và tàu phụ trợ đang neo đậu khu vực tiếp bờ Phú Quốc

 

Xà lan cáp chở bành cáp nặng khoảng 4500 tấn

 

Cột đấu nối cáp ngầm và đường dây trên không

 Chuẩn bị công trường khu vực tiếp bờ Phú Quốc

Cáp ngầm biển 1x3Cx630mm2 Cu/XLPE

Đoàn công tác TV2 và đơn vị bạn thăm công trường

Bài: Trương Văn Cường - Ảnh: Huy Phong

Chia sẻ: