Hậu Giang chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy điện sinh khối vốn 875 tỷ đồng

Dự án được thực hiện tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ và Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư, có quy mô công suất thiết kế 20 MW, với tổng vốn đầu tư trên 875 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa vừa ký văn bản số 292 /UBND-NCTH ngày 9/3/2021 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ và Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư, với mục tiêu sản xuất điện, truyền tải và phân phối.

Nhà máy điện sinh khối (Nguồn: Internet)

Dự án được thực hiện tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, có quy mô công suất thiết kế 20 MW; diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng gồm khoảng 10,84 ha đất và 0,55 ha đất mặt nước. Quy mô đầu tư gồm: Khu vực gian máy chính; khu vực phụ trợ; khu vực nhà hành chính; khu vực kho chứa; hành lang cây xanh và đường kết nối.

Chu trình tái tạo nguồn nguyên liệu sinh khối (Nguồn: Internet)

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 875 tỷ đồng, từ nguồn vốn của nhà đầu tư; được thực hiện theo hình thức nhà nước thu hồi đất và cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án theo quy định.

Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng kể từ khi được bàn giao đất ngoài thực địa.

Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Theo văn bản trên, nhà đầu tư phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020.

Bắt đầu tiếp cận các dự án điện sinh khối từ năm 2011 như điện trấu Hậu Giang, điện rác Cần Thơ, PECC2 đã làm việc với một số công ty nước ngoài tại Hong Kong, Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp sinh khối cho việc phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng mới mẻ cho Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu và nắm bắt tình hình thị trường, PECC2 đã tích cực xây dựng chiến lược để hòa vào dòng chảy sinh khối tại Việt Nam với chuỗi dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn nhiên liệu suốt đời sống dự án, góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt, vừa giúp giảm phát thải nhà kính.

Theo Báo Đầu tư online

Chia sẻ: